Nhiều tiềm năng và cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tại các thị trường nước ngoài

Đăng ngày: 01/02/2023 , 14:16 GMT+7

Ngày 31/1/2023, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023”. Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023

 Hội nghị thu hút trên 500 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, đông đảo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… tham dự.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 là năm khó khăn thách thức đối với thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam bởi tính dị biệt của thị trường và tính khó lường của chính trị thế giới. Tuy nhiên, với kinh tế Việt Nam lại là năm chúng ta đạt được kết quả ngoạn mục, khi GDP tăng 8,02%, vượt xa so dự kiến của năm theo dự đoán của các tổ chức quốc tế, ngân sách thu vượt 20%; lạm phát trong tầm kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp đạt mức độ tăng trưởng trên dưới 8%, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đạt 8,1%, đóng góp 2,1 điểm % cho tăng trưởng GDP của đất nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2022 đạt 732,5  tỷ USD và cũng là năm thứ 7 liên tiếp chúng ta xuất siêu với thặng dư thương mại đạt 11,2 tỷ USD. Đáng chú ý, tính riêng trong tháng 1/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta đạt 46,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 25,08 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,47 tỷ USD, xuất siêu 3,6 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng, đạt được kết quả quan trọng như vậy là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân cộng đồng doanh nghiệp, và có sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp của cộng đồng quốc tế. Trong đó, có vai trò khá quan trọng và rõ nét của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã báo cáo phản ảnh kịp thời những diễn biến của thị trường, chính sách của nước sở tại để có đối sách phù hợp. Thương vụ cũng có những khuyến cáo dành cho doanh nghiệp, địa phương để có những điều chỉnh phù hợp trong sản xuất kinh doanh, kết nối cung cầu trong thương mại và đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2022, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt hơn 100 đề án; hỗ trợ trên 10.000 lượt tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại và hàng triệu doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương trình cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, các sự kiện xúc tiến thương mại.

Thông tin về nhu cầu tại thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tại Canada như nhóm sản phẩm chè, cà phê và gia vị có mức tăng đột biến so với năm 2021. Riêng mặt hàng quế, các siêu thị lớn của Canada (Costco,  Walmart) đã nhập khá nhiều quế có nguồn gốc từ Việt Nam (8,6 triệu USD),với mức tăng 43,3%, Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm 50% thị phần tại Canada trong những năm tới.

Với mặt hàng dệt may, tổng quy mô thị trường Canada đối với nhóm hàng này khoảng từ 5 đến 6 tỷ USD/năm. Sau đại dịch, với việc mở cửa hoàn toàn lại đời sống xã hội và các hoạt động văn hoá giải trí, du lịch, nhu cầu nhập khẩu của Canada đối với nhóm mặt hàng này tăng mạnh so với 2021, đạt 30,1%. Việt Nam là nước đứng thứ ba về xuất khẩu mã HS 61 vào Canada, sau Trung Quốc, Campuchia; đây cũng là vị trí Việt Nam mới giành được từ 2 năm nay sau CPTPP khỏi tay Bangladesh. Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh, với nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung của Canada, các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka đang nổi lên như là các đối thủ cạnh tranh rất mạnh nhờ năng lực hoàn thiện các mặt hàng có độ khó cao.

Với thị trường châu Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Aixơlen, Na Uy, Látvia) nhấn mạnh, vấn đề được các nước Bắc Âu quan tâm nhất hiện nay là biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Dự kiến, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân Bắc Âu, xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế, thân thiện với môi trường, bền vững, tái sử dụng vẫn sẽ tiếp tục được ưa chuộng tại Bắc Âu.

Ngoài ra, do ngày càng tăng lo ngại về khủng hoảng khí hậu đã khiến Liên minh châu Âu (EU) thông qua Thỏa thuận xanh châu Âu với tác động vượt ra ngoài lãnh thổ của EU, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Người mua hàng châu Âu ngày càng có xu hướng tìm kiếm các nhà cung cấp sản xuất bền vững, minh bạch, và có thể chịu trách nhiệm. Do vậy, muốn xuất khẩu vào EU nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng, doanh nghiệp cần nắm bắt các quy định, xu hướng thị trường để điều chỉnh sản xuất và có hướng tiếp cận thị trường mới.

PV.

 

Đăng ngày: 01/02/2023 , 14:16 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác