Chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp

Đăng ngày: 09/06/2021 , 10:33 GMT+7

Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp.

Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.

Chủ động các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”

Để tập trung phòng, chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Bộ cũng đã tổ chức các cuộc làm việc trực tuyến cùng Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang diễn ra ngày 25/5, Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh diễn ra chiều ngày 26/5, để cùng địa phương thống nhất triển khai các biện pháp cấp bách, đẩy lùi khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, bên cạnh tập trung phòng chống dịch nhưng vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, Bộ đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K. Chủ động đánh giá mức độ an toàn của dịch Covid-19, cập nhật bản đồ an toàn, sống chung với dịch bệnh để có phương án sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, cần khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhất là những ổ dịch đã lan vào khu công nghiệp, khu chế xuất. Từng cơ sở công nghiệp phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước (tháng 5/2020 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước),trong đó ngành khai khoáng giảm 6,4% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,6% và tăng 14,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,2% và tăng 12% ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,1% và tăng 6,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%) tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%); riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 13,6%; sản xuất đồ uống tăng 12,8%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%; khai thác than cứng và than non giảm 3,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 0,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,5%; ti vi tăng 13,2%; giày, dép da cùng tăng 12,6%; bia các loại tăng 11,7%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,1%; phân u rê giảm 8,1%; dầu thô khai thác giảm 9,4%; xăng, dầu các loại giảm 9,3%; than sạch giảm 3,7%.

Tình hình cụ thể ở một số ngành

Ngành dầu khí

Sản lượng dầu thô khai thác tháng 5 ước đạt 0,9 triệu tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 0,6 tỷ m3, giảm 23,2%; khí hóa lỏng ước đạt 75,7 nghìn tấn, giảm 2% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 4,5 triệu tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 3,5 tỷ m3, giảm 13,1%; khí hóa lỏng ước đạt 374,9 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Trước diễn biến đại dịch COVID-19 phức tạp trong nước và các quốc gia láng giềng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các đơn vị thành viên đã và đang chủ động thắt chặt, tăng cường các giải pháp ứng phó dịch bệnh; tập trung rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ công nhân viên, người lao động, đặc biệt tại các địa điểm tập trung đông người như giàn khoan, nhà máy, công trường; Yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống; căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh bố trí, sắp xếp, hình thức làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến đảm bảo an toàn, thông suốt mọi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngành Than

Hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành than những tháng đầu năm 2021 chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 bùng phát trở lại và nhu cầu tiêu thụ than cho điện giảm, các đơn vị ngành than khai thác cầm chừng nhằm giảm tồn kho, bảo đảm cân đối tài chính. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của các đơn vị trong việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, song song với tích cực thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số trong công tác quản lý, điều hành, giữ vững mỏ an toàn do vậy mọi mặt hoạt động của ngành than vẫn duy trì ổn định. Sản lượng than sạch tháng 5, ước đạt 4,43 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ; alumin ước đạt 116 nghìn tấn, giảm 3,7%% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng than sạch ước đạt 21,26 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ; alumin ước đạt 538,6 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ. 

Nhóm hàng dệt may, da giày

Ngành dệt may, da giày trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTAs đã ký kết và đi vào thực thi. Đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến Quý III năm nay. Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.

Chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 5 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,1% và 21,2%. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9.1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.

Chỉ số sản xuất ngành da và các sản phẩm liên quan tháng 5 tăng 8,1% so với tháng 4 và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 12% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 261,5 triệu m2, tăng 9,3% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 482,5 triệu m2, tăng 8,8% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.882,9 triệu cái, tăng 9,7%; Giầy dép da ước đạt 121 triệu đôi, tăng 12,6%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.

Đối với nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống

Tháng 05 và 5 tháng năm 2021, sản xuất kinh doanh của ngành gặp nhiều khó khan do tác động của dịch bệnh. Trong tháng 5, chỉ số ngành sản xuất đồ uống giảm 0,5% so với cùng kỳ; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6% so với cùng kỳ; trong khi đó ngành sản xuất thuốc lá tăng 6,3%. Tính chung 5 tháng, chỉ số ngành sản xuất đồ uống tăng 12,8% so với cùng kỳ; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,2% so với cùng kỳ; ngành sản xuất thuốc lá tăng 5,3%.

Nhóm ngành sản xuất và phân phối điện

Trong tháng 5 năm 2021, ngành điện đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên phạm vi cả nước, qua đó ổn định sản xuất, cung ứng, phân phối điện và điều hành giá điện.

Sản lượng điện sản xuất tháng 5 ước đạt 22.503 triệu kWh, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng năm 2021, sản lượng điện sản xuất ước đạt 99.382,7 triệu kWh, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điện thương phẩm tháng 5 ước đạt 19.300 triệu kWh, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, điện thương phẩm ước đạt 90.139,9 triệu kWh, tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ bước vào thời gian cao điểm của mùa hè, thời tiết nắng nóng diện rộng, việc cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn do phụ tải tăng cao hơn. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN có các giải pháp đồng bộ để đảm bảo cung cấp điện cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế, ngay cả trong điều kiện phụ tải tăng trưởng trở lại, tích cực triển khai các công việc chuẩn bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng các phương án phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thuỷ điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đề nghị các khách hàng sử dụng điện lưu ý áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện để giảm hóa đơn tiền điện, đồng thời giảm áp lực cung cấp điện trong những thời gian cao điểm của hệ thống.

Thanh Hà

Đăng ngày: 09/06/2021 , 10:33 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác