Từ ‘dầu ăn’ làm bằng dầu cho gia súc đến mì chính không rõ nguồn gốc

Đăng ngày: 01/07/2025 , 13:36 GMT+7

Không chỉ bị xử lý vì hành vi sản xuất dầu ăn từ nguyên liệu dành cho thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food còn bị phát hiện kinh doanh sản phẩm mì chính mang nhãn hiệu Ofood với bao bì không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thủ đoạn phù phép dầu cho gia súc thành dầu ăn

Tối 24/6, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đăng tải thông tin vụ án sản xuất dầu ăn giả với quy mô lớn. Nhãn hiệu dầu ăn Ofood của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food được rao bán rộng rãi trên thị trường với danh nghĩa là dầu thực phẩm bổ sung vitamin A.

Tuy nhiên kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm hoàn toàn không chứa vitamin như công bố và nghiêm trọng hơn đây là loại dầu thực vật không đạt chuẩn an toàn thực phẩm, vốn chỉ dùng để chế biến thức ăn cho vật nuôi.

Các doanh nghiệp trong đường dây sản xuất dầu ăn giả ước tính doanh thu 8.200 tỷ đồng trong 3 năm gần đây- Ảnh VTV

Đến nay, Công an tỉnh Hưng Yên đã điều tra và triệt phá đường dây sản xuất gia vị kém chất lượng do công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food vận hành. Hàng chục nghìn tấn dầu ăn có nguồn gốc dùng trong chăn nuôi đã bị “hô biến” thành dầu ăn phục vụ cho con người.

Theo kết quả điều tra, các đối tượng đã nhập khẩu dầu thực vật vốn chỉ được phép sử dụng làm thức ăn cho gia súc, sau đó thông qua hệ thống đường ống ngầm, bơm sang các bồn chứa để tiếp tục chế biến và đóng gói thành dầu ăn cho người dưới thương hiệu Ofood. Sản phẩm này sau đó được phân phối rộng rãi đến các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, thậm chí cả những làng nghề chế biến thực phẩm cho trẻ em.

Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 1.000 tấn dầu nhập lậu tại hiện trường, trong khi ước tính hàng chục nghìn tấn đã được tuồn ra thị trường.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hành vi sử dụng nguyên liệu dầu thực vật có nguồn gốc dành cho thức ăn chăn nuôi để sản xuất, chế biến thực phẩm tiêu dùng cho người là hành vi cố ý làm sai lệch bản chất, công dụng và mục đích sử dụng của hàng hóa. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định pháp luật.

Mì chính hiệu Ofood nguồn gốc không rõ ràng

Bên cạnh sản phẩm dầu ăn, công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food còn kinh doanh nhiều loại gia vị khác mang thương hiệu Ofood như dầu hào, nước tương, tương cà, tương ớt và mì chính (bột ngọt). Đáng chú ý, sản phẩm mì chính Ofood bị phát hiện không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm.

Mì chính Ofood của công ty Nhật Minh Food không rõ xuất xứ từ đâu

Cụ thể, trên bao bì của mì chính Ofood, thông tin duy nhất được ghi là "Chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm: Công ty TNHH Sản xuất và XNK Nhật Minh Food", mà không hề nêu rõ nguồn gốc sản xuất hoặc xuất xứ của nguyên liệu bên trong. Điều này khiến người tiêu dùng không thể biết sản phẩm được sản xuất ở đâu, do đơn vị nào sản xuất trong khi công ty này không hề có nhà máy sản xuất mì chính, vi phạm nghiêm trọng quy định về ghi nhãn hàng hóa và tiềm ẩn hành vi đánh lừa người tiêu dùng nhằm trục lợi.

Thông tin trên bao bì của mì chính Ofood: “Chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm: Công ty TNHH Sản xuất & XNK Nhật Minh Food”, không ghi rõ nguồn gốc sản xuất hoặc xuất xứ nguyên liệu.

Việc ghi nhãn không đầy đủ như trên không chỉ thiếu minh bạch mà còn vi phạm quy định pháp luật Việt Nam về công bố thông tin sản phẩm, làm giảm khả năng truy xuất nguồn gốc và gây lo ngại về chất lượng, độ an toàn của hàng hóa lưu hành trên thị trường.

Vụ việc Công an tỉnh Hưng Yên điều tra và triệt phá thành công đường dây sản xuất gia vị kém chất lượng của Công ty Nhật Minh Food không chỉ góp phần loại bỏ các sản phẩm không đảm bảo chất lượng ra khỏi thị trường, mà còn thể hiện nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Uyên Phương

Đăng ngày: 01/07/2025 , 13:36 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác