Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương),với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%).
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo (tiêu chí và là biểu tượng của nước công nghiệp) tiếp tục tăng khá, đạt 24,1%, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ; tỷ trọng ngành khai khoáng giảm mạnh.
Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao: Trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản suất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Một số ngành công nghiệp xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử…) đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế.
Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng đã từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị tăng trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị.
Theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp diễn ra chiều 27/12, trong năm 2025, nền kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại cùng những căng thẳng địa chính trị mới. Ở trong nước, các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội thị trường hơn từ việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia (đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao…). Tuy nhiên, điểm nghẽn về năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa còn chậm phát triển sẽ tạo ra lực cản lớn cho các cơ hội này.
Để góp phần, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2025 của ngành Công Thương, Cục Công nghiệp sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn./.
PV.