Ngành dệt may, da giày kỳ vọng vào các dự án đầu tư mới năm 2021

Đăng ngày: 12/01/2021 , 03:55 GMT+7

(DNTM) - Sau thời gian đóng băng thị trường do dịch Covid-19, ngành dệt may bắt đầu khởi động chu kỳ đầu tư mới để đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng. Năm 2021 là thời điểm được nhiều doanh nghiệp dệt may lên kế hoạch đầu tư để đón lõng nhu cầu thị trường trong những năm tới.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex),năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành có giảm nhưng so với nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may khác, mức giảm không nhiều do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhờ đó đã tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu, duy trì đơn hàng tương đối ổn định.

Ước tính cả năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu giảm 20% so với năm 2019, đạt khoảng 600 tỷ USD. Nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam lần đầu tiên sau 25 năm tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35,2 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD, xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, thậm chí gần 30% nếu bị cách ly dài, thì mức giảm của Việt Nam còn là ít.

Ngành dệt may, da giày Vệt Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội bởi số lượng lao động rất lớn, đến 4,3 triệu người, xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch quốc gia, năm 2019, 2 ngành này đã xuất khẩu 62 tỷ USD, tương đương 24% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Để phát triển vững mạnh, ngành dệt may, da giày phải tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Ngày 23/11/2020, tại buổi làm việc với ngành dệt may, da giày, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải đầu tư phát triển các dự án nguyên phụ liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn nữa trong chuỗi cung ứng, tận dụng tốt các FTA. Trong đó, các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển mô hình khu công nghiệp dệt may, nhuộm, đảm bảo thực hiện nghiêm, minh bạch các quy định về môi trường. Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành liên quan xem xét triển khai quy hoạch khu công nghiệp dệt may quy mô 500ha, cùng với trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương đẩy nhanh thỏa thuận với một số nước để áp dụng quy tắc cộng gộp xuất xứ vải trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA),tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí hoạt động cho doanh nghiệp...

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương trong những ngày cuối cùng của năm 2020, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTV Vinatex, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: “Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là được hỗ trợ thông qua chính sách giảm lãi suất vay dài hạn, vì năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng các yêu cầu mới khi dịch bệnh được khống chế, đặc biệt nhắm vào các dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do (FTA)”.

Năm 2021, thương mại dệt may chưa hoàn toàn khởi sắc, nhưng nếu không dồn lực đầu tư sẽ khó tận dụng dư địa tăng trưởng cho giai đoạn từ 2022 trở đi. Nhưng xoay xở vốn đang là nỗi niềm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt vốn cho các dự án sản xuất nguyên liệu xơ sợi, vải, để thỏa mãn xuất xứ từ một số FTA. Theo ông Trường, sau một năm khó khăn, sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, các dự án đầu tư của ngành dệt may, nhất là đầu tư sản xuất sợi, vải không còn được thứ tự ưu tiên cao, tiếp cận vốn khó, lãi suất cao. Để có vốn đầu tư và cụ thể hóa được chiến lược phát triển, ngành dệt may rất cần sự linh hoạt trong đánh giá tín nhiệm tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại cho giai đoạn mới, tương ứng với tốc độ phục hồi của thị trường. Các doanh nghiệp mong muốn, Chính phủ có chính sách cụ thể để phát triển công nghệ hỗ trợ dệt may, kể cả không gian và các điều kiện khuyến khích. Các địa phương cũng ủng hộ ngành dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch và tuân thủ theo quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.

Đánh giá về dòng vốn đổ vào các dự án dệt may trong năm 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, các dự án nguyên phụ liệu sẽ được triển khai tấp nập hơn năm 2020. “Về kịch bản nguyên phụ liệu, năm 2021 và 2022, Việt Nam vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư sợi, dệt, nhuộm từ các doanh nghiệp trong nước và khối FDI. Một số ít dự án đang đầu tư dở dang trong giai đoạn 2019 - 2020 sau khi bị chậm tiến độ bởi dịch bệnh sẽ hoàn thiện để đưa vào hoạt động trong năm 2021”, ông Giang nói.

Cũng theo Chủ tịch Vitas, năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu cao là xuất khẩu 39 tỷ USD, nếu dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD./.

P.V

Đăng ngày: 12/01/2021 , 03:55 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác