Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa... và 455 chợ phân bổ khắp quận huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội.
Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6h - 22h hàng ngày. Bên cạnh đó, các bưu cục, chuyển phát nhanh cũng tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu. Ở các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi như Circle K, Vinmart, Vinmart +, Co.op Food, Homefarm... đều có thêm thông tin liên lạc để giao hàng trực tuyến.
Liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hàng hóa hiện đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng. Một số hệ thống siêu thị đã tăng lượng cung ứng gấp 200% so với bình thường để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân. Giá bán các mặt hàng tại siêu thị, chuỗi cửa hàng được niêm yết theo quy định, giá cả ổn định.
Tại các chợ, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá cả các mặt hàng tại chợ ổn định, tuy nhiên, tại một số chợ giá tăng nhẹ đối với một số mặt hàng rau củ và thịt.
Tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, khách đến mua sắm ngày 26/7 vắng hơn so với hôm trước. Hệ thống siêu thị Vinmart lượng khách đến mua sắm giảm, tương đương ngày bình thường, hệ thống siêu thị Big C lượng khách giảm 30% so với hôm trước...
TP Hà Nội vẫn tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng với Sở Công Thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên túc trực kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch cũng như chương trình bình ổn giá.
Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để đảm bảo nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm 2021 với số lượng dự trữ tăng 3 lần bình thường, hiện Sở cũng đề nghị hệ thống phân phối tăng thêm nguồn hàng.
Trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30 - 50%, trong thời gian 3 tháng, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
PV.