Hơn 100 doanh nghiệp tham gia Triển lãm hàng hải và đóng tàu

Đăng ngày: 05/07/2023 , 21:46 GMT+7

Ngày 5/7, tại Cung Triển lãm xây dựng, Quy hoạch kiến trúc quốc gia (Hà Nội), khai mạc Triển lãm Thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu Việt Nam (VIMOX 2023), với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp cung cấp thiết bị máy móc, công nghệ hàng đầu trong ngành hàng hải, đóng tàu từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Khai mạc triển lãm VIMOX 2023

Triển lãm dự kiến thu hút hơn 5.000 khách tham quan bao gồm: các chủ tàu, nhà máy đóng tàu, nhà sản xuất và cung cấp vật tư thiết bị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ kỹ thuật, công nghệ và thương mại của các doanh nghiệp trong ngành,...

Triển lãm sẽ là cầu nối giao thương quan trọng giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin hữu ích, chia sẻ các công nghệ tiên tiến đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa ngành đóng tàu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VISIA) Hoàng Hùng đánh giá, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sự phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam có xu hướng bị chậm lại và gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn riêng của nền kinh tế Việt Nam.

“Ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay, theo thống kê vẫn phải sử dụng tới gần 70% vật tư, thiết bị nhập ngoại, nếu khai thác được “điểm yếu” này thì đây sẽ là dư địa rất lớn dành cho các nhà cung ứng vật tư thiết bị trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển…,” Phó Chủ tịch VISIA Hoàng Hùng nhận định.

Nhiều hoạt động liên quan đến trưng bày, triển lãm quảng bá giới thiệu sản phẩm

Tổng số đội tàu biển của Việt Nam hiện có hơn 1.600 tàu vận tải hàng hóa, với tổng trọng tải khoảng 12-13 triệu DWT. Mặc dù vậy, 95% thị phần vận tải biển hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn dành cho các hãng tàu nước ngoài, Việt Nam chỉ đang đảm nhiệm 5%. Thực tế, phần lớn tàu biển ở Việt Nam đã trên 15 tuổi, công nghệ cũ không phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa. Một bất cập nữa là cơ cấu đội tàu của Việt Nam phát triển chưa hợp lý, tàu trọng tải nhỏ trong tình trạng dư thừa, trong khi lại thiếu các loại trọng tải lớn vận tải quốc tế.

Từ năm 2020 đến nay, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 thì ngành đóng tàu của Việt Nam lại khởi sắc trong và sau đại dịch. Nhiều doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội và chuyển mình mạnh mẽ, đã có những bước phát triển vượt bậc và đang từng bước khẳng định mình trên thương trường quốc tế. Ngành đóng tàu Việt Nam đã đóng được các tàu chuyên dụng, tàu có sức chở lớn đến 50-60 nghìn tấn và hướng tới đóng tàu 110 nghìn tấn.

Diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 5-7/7), triển lãm dự kiến thu hút hơn 5.000 khách tham quan bao gồm các chủ tàu, nhà máy đóng tàu, nhà sản xuất và cung cấp vật tư thiết bị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ kỹ thuật, công nghệ và thương mại của các doanh nghiệp trong ngành,...

Trong khuôn khổ của triển lãm, ngoài các hoạt động liên quan đến trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, hội thảo chuyên ngành đóng tàu và hàng hải được kỳ vọng là diễn đàn bổ ích giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước bàn thảo về những vấn đề khoa học công nghệ, chính sách và chiến lược phát triển ngành hàng hải và đóng tàu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng./.

Thu Trang

 

 

Đăng ngày: 05/07/2023 , 21:46 GMT+7

Tin liên quan