Xuất khẩu sang Iran- Thị trường còn nhiều tiềm năng bỏ ngỏ

Đăng ngày: 01/04/2022 , 18:02 GMT+7

Với dân số gần 86 triệu người, trong đó độ tuổi từ 25-50 tuổi chiếm khá đông, Iran là thị trường tiêu thụ lớn trong số các nước khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, hiện Việt Nam và Iran có nhiều cơ hội hợp tác thương mại chưa được khai thác.

Bà Nguyễn Thu Thủy- PGĐ Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu- Cục XTTM (trái) chủ trì Phiên tư vấn và bà Nguyễn Thị Hiền Giang- GĐ Công ty TNHH TM Lâm Thành Hưng chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang Iran

Thị trường tiềm năng cho nông sản Việt

Đến nay, Việt Nam và Iran đã ký một số thỏa thuận hợp tác như “Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật”, Hiệp định về thương mại (trong đó có điều khoản MFN) và lập Ủy ban hỗn hợp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư…

Theo số liệu của Hải quan Iran, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này trong năm 2021 (tính theo lịch Iran, bắt đầu từ ngày 20/3/2021 đến ngày 21/12/2021 (không bao gồm xuất khẩu dầu thô) đạt trị giá 72,1 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 35,1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Thành Long- Bí thư thứ Ba Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria và Iraq) cho biết, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Iran, chiếm 82% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Iran là: máy móc không dùng điện (chiếm 17% tổng kim ngạch nhập khẩu), sắt thép (14%), hóa chất và các sản phẩm liên quan (11%),phương tiện vận tải (9%) và máy móc, công cụ và thiết bị điện (7%) ).

Ông Nguyễn Thành Long- Bí thư thứ Ba Thương vụ Việt Nam tại Iran giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam- Iran chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu các loại nông thủy sản như: hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, ngoài ra là một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau củ quả, thủy hải sản, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ... và nhập khẩu từ Iran các mặt hàng như sản phẩm chất dẻo, sản phẩm dầu mỏ, cao su, kim loại thường, tân dược...

Theo ông Long, các mặt hàng nông sản của Iran và Việt Nam có tính bổ sung lẫn nhau. Những măt hàng Iran có thế mạnh xuất khẩu như saffron, chà là, cherry, dâu tây, lựu, hạt dẻ cười thì VN không có hoặc có ít. Ngược lại, hàng VN như chè, cà phê, hạt điều, hạt tiêu xuất sang Iran được tiêu thụ tốt. Có thể nói hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt, được người dân Iran ưa chuộng, điển hình như chè, cà phê.

Về nông sản, mỗi năm Iran sản xuất được 125 triệu tấn, xuất khẩu 8,8 triệu tấn và nhu cầu nhập khẩu lớn, khoảng 10 tỷ USD do hạn hán, mất mùa thường xuyên.

Theo thống kê, mỗi năm một người Iran tiêu thụ trung bình khoảng 120kg hoa quả, trong khi con số này ở nước khác là 75kg/năm. Hàng năm Iran nhập khoảng 470 nghìn tấn hoa quả nhiệt đới trị giá 700 triệu USD, trong đó có chuối, dứa, xoài. Nếu làm thị trường tốt, VN có thể xuất sang Iran: thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi...

Riêng lúa gạo, Iran chỉ sản xuất chủ yếu ở tỉnh Mazandaran với sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 22 triệu dân, nhu cầu nhập khẩu cần khoảng 1 triệu tấn gạo/năm.

Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu hàng hóa sang Iran còn gặp khó khăn do bị cấm vận, Iran luôn tăng cường bảo hộ sản phẩm nội địa. Vì vậy sẽ có những thời điểm trong năm Iran cấm nhập khẩu hoặc tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhất định mà các doanh nghiệp nội địa có thể tự sản xuất được. Bên cạnh đó, việc thanh toán giữa Iran và các đối tác nước ngoài cũng khó khăn do các ngân hàng của Iran bị cấm giao dịch quốc tế. Thông thường các bên sẽ phải thanh toán qua các trung gian (nước thứ Ba) như Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Oman... dẫn đến gia tăng chi phí trong xuất khẩu.

Kết nối trực tiếp qua hội chợ

Người Iran rất chú trọng việc kết nối, giao tiếp trực tiếp với đối tác. Ngay tại thời điểm dịch bệnh Covid diễn ra căng thẳng nhất trong những năm 2020, 2021; cơ quan Xúc tiến Thương mại của Iran vẫn thực hiện đều đặn các chương trình hội chợ để kết nối khách hàng với người mua. Do vậy, nếu điều kiện cho phép, doanh nghiệp VN muốn làm ăn lâu dài nên tiếp cận trực tiếp đối tác bằng cách tham gia hội chợ, hội thảo, các chương trình kết nối giao thương tại Iran.

Hội chợ quốc tế ngành thủy sản tại Tehran năm 2021. Ảnh TPO

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Iran cũng khẳng định luôn sẵn sàng giúp doanh nghiệp VN quảng bá sản phẩm, kết nối với các đối tác Iran uy tín; hỗ trợ thẩm định đối tác để giảm thiểu các rủi ro sau này; tư vấn các quy định, tiêu chuẩn, thuế quan của Iran đối với các mặt hàng nhập khẩu cụ thể...

Đối với các doanh nghiệp đang tìm hiểu, trước tiên cần hiểu rõ được loại hàng hóa mình muốn xuất khẩu có nằm trong danh mục bị Iran hạn chế hay không. Tiếp theo, doanh nghiệp cần chú ý đến các quy định, tiêu chuẩn của Iran đối với các mặt hàng nhập khẩu để có thể chuẩn bị tốt nhất về mặt hồ sơ.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Iran, bà Nguyễn Thị Hiền Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng, người đã có nhiều năm sinh sống, học tập tại Iran và công tác tại Đại sứ quán Iran tại Việt Nam cho biết: trước hết, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ đối tác và lựa chọn đúng sản phẩm thế mạnh phù hợp, không cạnh tranh với các mặt hàng của Iran. Cần tìm hiểu rõ kênh thanh toán trước khi ký hợp đồng và đa dạng hóa kênh kết nối xúc tiến thương mại. Quan trọng là luôn có kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị những phương án tối ưu vì Iran có rất nhiều kỳ nghỉ lễ tôn giáo, nghỉ năm mới dài ngày để có kế hoạch cụ thể cho đơn hàng.

Phiên tư vấn xuất khẩu sang Iran thu hút nhiều DN quan tâm

Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Iran) tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Iran vào ngày 01/4/2022 theo hình thức trực tiếp tại khách sạn Adonis, Hà Nội, phát trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại. Chương trình thu hút sự quan tâm của hơn 100 doanh nghiệp tham dự và những đặt hàng cụ thể cho Thương vụ VN tại Iran liên quan đến các mặt hàng: bột dừa, gạo, nước mắm, chè, trái cây sấy dẻo…

Ngọc Thủy

Đăng ngày: 01/04/2022 , 18:02 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác