Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Một năm vượt khó và những giá trị cần phát huy

Đăng ngày: 11/03/2021 , 09:35 GMT+7

Cùng với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đã có một năm 2020 nỗ lực vượt khó, tăng cường kết nối hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19 để duy trì phát triển.

PGS, TS. Phan Đăng Tuất - Phó Chủ tịch thường trực VASI phát biểu tại buổi tổng kết năm 2020

Phát triển CNHT để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm

CNHT ngày càng trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở các nước khác nhau, có nhiều khái niệm khác nhau về CNHT. Hiện nay đang có 1 giao giới giữa 2 quan niệm CNHT. Một là CNHT chỉ là lĩnh vực chế tác các chi tiết linh kiện. Khái niệm này được thừa nhận tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, theo đó nền tảng của CNHT chính là công nghiệp vật liệu. Trong khi tại Đài Loan, người ta không gọi là CNHT mà gọi là công nghiệp vật liệu và phụ tùng với quan niệm vật liệu đi trước một bước. Nếu không hiểu rõ, cắt nghĩa rõ cho cụ thể, chặt chẽ thì khi vào thực tiễn sẽ khó triển khai thực hiện. Như vậy, CNHT bắt đầu từ công nghiệp chế tác vật liệu và các doanh nghiệp gia công từ đó hình thành 2 khối doanh nghiệp gắn bó khăng khít với nhau theo các hợp đồng cung ứng chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau.

Hiện nay, Việt Nam chưa thực sự có lĩnh vực CNHT mà mới chỉ có lĩnh vực gia công chi tiết linh kiện bởi vì các doanh nghiệp sản xuất ở lĩnh vực này hầu hết vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu thậm chí các doanh nghiệp cơ khí chế tạo còn nhập cả dầu bôi trơn, găng tay đứng máy của công nhân... Nếu nói giá trị sản xuất thực tế của doanh nghiệp thì chỉ có sức lao động của công nhân trong quá trình sản xuất sản phẩm.

Nếu CNHT chỉ được hiểu theo khâu chế tạo thì rất phiến diện mà CNHT cần được hiểu là lĩnh vực công nghiệp từ khi chế tạo ra nguyên liệu, vật liệu để sản xuất ra linh kiện, phụ kiện như vậy mới có thể tăng được giá trị gia tăng. Còn nói đến CNHT mà tất cả đều nhập từ máy móc, nguyên vật liệu… chỉ có sức lao động thì thực chất vẫn là gia công. Như vậy, khác với ngành khai thác nguyên liệu thô, lĩnh vực CNHT phải bắt đầu từ khâu sản xuất nguyên vật liệu như tuyển quặng, luyện thành gang rồi sản xuất ra thép và CNHT sẽ là các công đoạn sau từ thép luyện thành thép chế tạo với nhiều mức độ khác nhau để từ đó sử dụng vào chế tạo các chi tiết linh kiện. Như vậy mới đúng bản chất của CNHT. 

Tuy nhiên khó khăn của CNHT VN hiện nay là chưa có nhiều doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nguyên liệu, linh kiện với số lượng lớn. Ví dụ, trên một chiếc xe ô tô sedan có hơn 200 mác thép khác nhau mà Việt Nam hiện chưa sản xuất được mác thép nào, nếu phải nhập khẩu hết thì không còn gọi là CNHT nữa. Hay 1 cái lốp ô tô ở trên thị trường có giá bán hơn 2 triệu đồng nhưng 1 cái gạt nước của ô tô định lượng chỉ hơn 0,1 kg đã có giá trị hơn 100 USD. Trong tình huống này thì việc chế biến ra nguyên liệu để sản xuất được cái gạt nước này mới là mục tiêu của CNHT, bởi như vậy mới có giá trị gia tăng.

Covid-19 - Nỗ lực thích ứng và tăng liên kết của CNHT Việt Nam

Đại dịch Covid-19 xảy ra là điều không ai mong muốn nhưng trong thời điểm khó khăn cũng đồng thời cho thấy sự thích nghi và sức sống của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp CNHT Việt Nam có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Về khó khăn, việc dịch diễn biến phức tạp, lan rộng trên toàn cầu dẫn tới sự đứt gãy ở cả 2 khâu của chuỗi cung ứng: Đầu tiên là sự đứt gãy ở khâu cung ứng vật liệu, sau mới đến đứt gãy của các nhà máy lắp ráp cuối cùng không mua linh kiên nữa. Hai chuỗi đứt gãy đó nó gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp CNHT. Trong đó, đứt gãy về nguyên vật liệu là đứt gãy lớn, là bản chất của đứt gãy và có ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất của lĩnh vực CNHT Việt Nam.

Bên cạnh những khó khăn đó là những thuận lợi khi sự dịch chuyển của các dòng đầu tư của các nhà cung ứng đến với Việt Nam và tạo ra sân chơi mới, môi trường mới cho CNHT Việt Nam. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng nhận biết được những thách thức khi phải chịu thêm sự cạnh tranh từ những nhà đầu tư - nhà sản xuất mới.

Cũng trong bối cảnh bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, sức sống của doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã thể hiện rõ sự thích nghi nhanh, tính liên kết, giúp đỡ nhau hiệu quả. Ngay trong Hiệp hội VASI, các doanh nghiệp thành viên đã chủ động chia sẻ khó khăn, thông qua những kênh liên lạc cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của nhau, qua đó kịp thời hỗ trợ nhau như phối hợp thực hiện hợp đồng, đơn hàng sản xuất…

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, khi các doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế về sản xuất và cung cấp các nguyên vật liệu, linh kiện truyền thống thì các doanh nghiệp CNHT trong nước có cơ hội để gia tăng thị trường cung cấp cho các khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên cạnh tranh ngay trên sân nhà luôn hiện hữu và gây ra những khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp khi Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.

Cần những chính sách hỗ trợ hiệu quả

Thời gian vượt khó bởi dịch Covid-19 không chỉ cho thấy sự năng động, nỗ lực của các doanh nghiệp mà còn cho thấy sự chủ động hỗ trợ của chính sách từ Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức trong thời kỳ dịch bệnh. Từ Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 về phát triển CNHT đến Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/08/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT thể hiện sự quan tâm, định hướng của Chính phủ đối với đường hướng phát triển lĩnh vực CNHT. Tuy nhiên CNHT là một lĩnh vực rất đặc thù. Thực tế cho thấy tất cả các nước phát triển CNHT đều có luật riêng cho CNHT, điển hình là Nhật Bản, ngay khi xuất hiện khái niệm CNHT thì từ năm 1957 và 1958 Nhật Bản đã ban hành 2 đạo luật về CNHT là Luật về chế tạo linh kiện chi tiết cơ khí và Luật về kinh kiện điện tử. Đây có thể là một ví dụ tham khảo hay đối với Việt Nam.

Mặt khác, CNHT là lĩnh vực đòi hỏi phải có nhiều chứng nhận tiêu chuẩn nhất vì nếu muốn làm 1 chi tiết để cung cấp cho khách hàng sử dụng sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh như 1 chi tiết để sản xuất ô tô thì nhà sản xuất ra chi tiết đó phải có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn như Tiêu chuẩn TS16949. Dù chi tiết được sản xuất đạt chất lượng tốt nhưng nếu không có các chứng chỉ tương ứng thì cũng không được phép cung ứng chi tiết đó. Trong khi để có được các chứng nhận hay tiêu chuẩn thì cần rất nhiều thời gian, nỗ lực của các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Trên thực tế thời gian qua, với nhiều nỗ lực tích cực, Hiệp hội VASI mới hỗ trợ được cho 3 doanh nghiệp CNHT đạt chứng chỉ cần thiết đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy ước quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng thu hút sự đầu tư sản xuất của nhiều nhà sản xuất nước ngoài, các cơ quan hoạch định chính sách về lĩnh vực CNHT cần có sự nghiên cứu, đánh giá để đưa ra được các chính sách phù hợp đối với lĩnh vực này. Nhà nước cần có chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp vật liệu cả ở các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu. Đặc biệt cần có những chính sách của Nhà nước để phát triển mạnh doanh nghiệp trong nước, đảm bảo doanh nghiệp đầu chuỗi sản xuất phải là doanh nghiệp trong nước. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phải có chọn lọc, không tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó Chính phủ và các Bộ, ngành cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trong việc tiếp cận, bổ sung các chứng chỉ, tiêu chuẩn để có thể cung ứng nguyên liệu, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất theo đúng quy định của quốc gia và quốc tế. Về lâu dài, Việt Nam cần có đạo luật riêng cho lĩnh vực CNHT để phát triển đồng bộ, bền vững lĩnh vực kinh tế quan trọng này./.
 

PGS, TS. Phan Đăng Tuất
Phó Chủ tịch thường trực VASI
Tạp chí Doanh nghiệp và thương mại số 01/2021
 

Đăng ngày: 11/03/2021 , 09:35 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác