Kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh trong quý 2

Đăng ngày: 05/07/2021 , 15:55 GMT+7

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,61% trong quý 2/2021, tăng tốc từ mức được điều chỉnh 4,65% trong quý 1/2021. Mặc dù có giảm nhẹ so với kỳ vọng, nhưng mức tăng này đã khẳng định xu hướng đi lên trong hiện tại và tái thiết lập xu hướng đã thấy trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2019. Trong nửa đầu năm 2021, GDP của Việt Nam tăng 5,64%, hơn gấp 3 lần so với mức 1,82% trong quý 1/2020.

GDP quý 2/2021 của Việt Nam tăng trưởng khá dựa vào sản suất trên nền số liệu so sánh thấp cùng kỳ

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,61% trong quý 2/2021, tăng từ mức được điều chỉnh 4,65% trong quý 1/2021 (ước tính trước đó: 4,45%),theo số liệu do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố. Mặc dù kết quả giảm nhẹ so với dự đoán của chúng tôi là 7% và theo khảo sát của Bloomberg là 7,2%, nhưng điều đó đã khẳng định xu hướng tăng sau các ảnh hưởng mạnh của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Sự tăng tốc trong quý 2/2021 một phần được thúc đẩy bởi nền số liệu so sánh cực thấp tại cùng kỳ năm ngoái ở mức 0,39% trong quý 2/2020 do quốc gia rơi vào tình trạng phong tỏa do hậu quả của đại dịch Covid-19 toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu mạnh mẽ từ bên ngoài đã thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, theo mô hình tương tự như nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong khu vực. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 11,42% trong quý. Trong lĩnh vực dịch vụ, quy mô bán buôn và bán lẻ tăng 5,63% trong khi dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27% và dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%, theo GSO.

Trong nửa đầu năm 2021, GDP của Việt Nam tăng 5,64% so với cùng kỳ năm ngoái, hơn gấp 3 lần so với tốc độ 1,82% trong nửa đầu năm 2020. Mức tăng này chủ yếu đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng ngành nông nghiệp tăng 3,82% so với cùng kỳ và sản lượng dịch vụ tăng 3,96%. Xét về tỷ trọng của các ngành trong nửa đầu năm 2021, ngành nông nghiệp chiếm 12,15%, tiếp theo là công nghiệp và xây dựng (37,61%),dịch vụ (41,13%) và các ngành khác (9,1%).

Xuất khẩu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm trong khi dòng vốn FDI đã tạo nền tảng vững chắc

Hoạt động kinh tế của Việt Nam cho đến nay đi theo mô hình của các nền kinh tế trong khu vực vốn đặt trọng tâm vào các lĩnh vực phục vụ thị trường nước ngoài (như thương mại và sản xuất) hoạt động tốt hơn các lĩnh vực trong nước (ví dụ: thương mại liên quan đến du lịch) trong đại dịch và tiếp tục trong quá trình phục hồi sau đại dịch như hiện nay.

Xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 tăng 28,4% so với cùng kỳ lên 157,63 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 36,1% so với cùng kỳ lên 159,1 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại là 1,47 tỷ USD trong giai đoạn này. Đây là mức thâm hụt thương mại đầu tiên trong sáu tháng đầu năm của Việt Nam kể từ nửa đầu năm 2017. Hoạt động xuất khẩu tương đối yếu hơn trong 6 tháng đầu năm có thể là do sự gián đoạn giao hàng từ đợt nhiễm Covid-19 lần thứ tư, khiến một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động trong một số giai đoạn của quý 2/2021.

Trong nửa đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 44,9 tỷ USD hay 28,5% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp theo là Trung Quốc và EU, lần lượt mua 24,4 tỷ USD (15% thị phần) và 19,3 tỷ USD (12,2% thị phần). Các thị trường chính khác trong 6 tháng đầu năm là ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản, lần lượt đạt 13,8 tỷ USD, 10,5 tỷ USD và 9,9 tỷ USD.

Về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử khi xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện điện tử và máy móc/thiết bị chiếm lĩnh 3 nhóm đầu trong 6 tháng đầu năm, đạt 25,2 tỷ USD (tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái; 16% thị phần),23,5 tỷ USD (tăng 20,9%; 15% thị phần) và 17,2 tỷ USD (tăng 65,3% so với cùng kỳ; 11% thị phần).

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm với 53,4 tỷ USD (33,5% thị phần nhập khẩu),tiếp theo là Hàn Quốc với 25,2 tỷ USD và ASEAN với 20,9 tỷ USD. Các nguồn nhập khẩu chính khác của Việt Nam bao gồm Nhật Bản (10,6 tỷ USD),EU (8,1 tỷ USD) và Mỹ (7,7 tỷ USD).

Liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực ngoại thương là lĩnh vực sản xuất, khi sản lượng chế tạo tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước tính đến tháng 6, nhanh hơn 2,5 lần so với tốc độ 4,6% trong cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này được dẫn dắt bởi sản lượng kim loại cơ bản, ô tô, đồ nội thất và điện tử.

Với vị thế là trung tâm sản xuất, Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư vào quốc gia. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% trong tổng số 15,7 tỷ USD đạt được cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là chất xúc tác then chốt để mở đường cho các hoạt động kinh tế trong tương lai.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 804 dự án FDI mới được cấp phép với tổng vốn đăng ký gần 9,55 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, các cam kết mới trị giá 4,12 tỷ đô la Mỹ đã được thực hiện cho 460 dự án hiện có, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 54,3% so với cùng kỳ đạt mức 1,61 tỷ USD.

Lĩnh vực chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2021. Con số này thấp hơn một chút so với mức 51% đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020 do dòng vốn đầu tư lớn hơn đã đi vào các lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, bất động sản và khoa học công nghệ.

Tính đến nay, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, dẫn đầu là Singapore với 5,64 tỷ USD (chiếm 36,9% tổng vốn đầu tư),tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn từ Nhật Bản và Hàn Quốc tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, đứng thứ hai và thứ ba với tỷ trọng lần lượt là 16% và 13,4%. Đáng chú ý là dòng vốn chảy vào từ Trung Quốc và Đài Loan đã giảm đáng kể trong giai đoạn này, trong khi FDI từ Mỹ tăng 145%, có thể là một phần ảnh hưởng từ sự thay đổi đang diễn ra trong chuỗi cung ứng trong thời kỳ hậu đại dịch và sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Dự báo cho năm 2021 vẫn giữ nguyên cùng với các rủi ro

Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2021 của Việt Nam có thấp hơn kỳ vọng ở mức 6,61% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã khẳng định xu hướng tăng trưởng trở lại sau các hưởng của đại dịch Covid-19 vào năm 2020, và cũng là sự tái lập xu hướng tăng đã diễn ra từ năm 2013 tới 2019. Trong những năm trước khi có Covid-19, tăng trưởng GDP có xu hướng chậm nhất trong quý 1, sau đó tăng dần lên trong thời gian còn lại của năm do các hoạt động sản xuất và xuất khẩu được cải thiện. Tính trung bình, tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm cao hơn khoảng 0,8-0,9% so với nửa đầu năm trong những năm Việt Nam đạt được tăng trưởng mạnh mẽ.

Với tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% cùng với mức thấp của nửa cuối năm 2020 (trung bình: 3,6%),chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,7% so với mức dự báo chính thức 6-6,5 % của Chính Phủ Việt Nam. Dự báo này dựa trên tính toán tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7,7% trong 6 tháng cuối năm 2021, vào khoảng gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình trong 6 tháng cuối năm 2020 và có thể đạt được nếu các hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra bình thường và không bị gián đoạn một cách đáng kể.

Một số yếu tố đã định hình hỗ trợ cho dự báo tích cực hơn trong nửa cuối năm 2021. Dòng vốn FDI đã bắt kịp nửa đầu năm 2020 trong bối cảnh chuỗi cung ứng tiếp tục dịch chuyển tạo cơ sở cho các hoạt động tăng trưởng trong tương lai. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi và hoạt động tốt trong quý 2/2021, bất chấp những trở ngại khác nhau từ sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 trên khắp các tỉnh thành và các nước lân cận.

Một môi trường lạm phát ổn định sẽ hỗ trợ ngân hàng trung ương linh hoạt hơn trong điều hành chính sách của mình qua đó đảm bảo một môi trường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các chính sách hiện hữu với lãi suất tái cấp vốn là 4,0% và lãi suất tái chiết khấu là 2,5%.

TG
Đăng ngày: 05/07/2021 , 15:55 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác