Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như mức tăng trưởng yếu, lạm phát giảm chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt, chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số tiếp tục định hình lại dòng vốn đầu tư FDI toàn cầu... đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta. Trên cơ sở bám sát những biến động của kinh tế trong nước và thế giới, ngành Công Thương đã đưa sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ngoạn mục, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ngoạn mục với IIP tăng 8,4%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay,trong đó IIP ngành chế biến chế tạo tăng 9,6% (so với mức tăng 1,5% trong năm 2023). Công nghiệp là ngành tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô: giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32% so với năm trước, là mức tăng gần cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 (chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022), đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83% (chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024), đóng góp 2,49 điểm phần trăm). Nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, duy trì được thành tích tăng trưởng công nghiệp khá với chỉ số IIP tăng ở hầu hết các địa phương trên cả nước (tăng ở 60/63 địa phương), nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi nhanh và duy trì đà tăng tích cực (như Bắc Giang tăng tới 27,7%).
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu. Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%). Có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 02 mặt hàng so với năm 2023), chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể: xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (cùng kỳ năm trước giảm 11,6%); thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,9%); Hàn Quốcước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7% (cùng kỳ giảm 3,4%); riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 60,6 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùngkỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,4%); xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 24,6 tỷ USD, giảm 1,2% (cùng kỳ giảm 3,2%).
An ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo trong đó phải kể đến “kỳ tích” hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành năng lượng.
Bên cạnh đó, công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng) đã thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, được coi là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.
Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về TMĐT được chú trọng, tiếp tục tăng cường TMĐT xuyên biên giới.
Những yếu tố tác động
Tuy đã tạo được nhiều dấu ấn trong các hoạt động nhưng thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Thêm vào đó, khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành.
Xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng trên 70%) nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này lại phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI (như dệt may, da giầy, điện tử), tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu...
Chủ động rà soát và tập trung toàn diện thực hiện các mục tiêu
Năm 2025 được coi là năm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, ngành Công Thương đã chủ động rà soát và đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, ngành tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các đối tác chiến lược.
Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu phát triển KTXH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Tiếp tục xác định và tập trung triển khai công tác xây dựng thể chế, chính sách - một trong ba đột phá chiến lược - cụ thể, khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật điện lực (sửa đổi); thực hiện cụ thể hóa chủ trương khởi động lại các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách mới được ban hành và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách mới về phát triển năng lượng; hoàn thiện dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9; trình Quốc hội dự thảo Luật phát triển Công nghiệp trọng điểm, Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong năm 2025.
Chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất; Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển các ngành công nghiệp. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI.
Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển đội ngũ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò trụ cột, đồng thời phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam giao lưu, kết nối mở rộng thị trường, trao đổi, tiếp nhận công nghệ với đối tác nước ngoài.
Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam;
Tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
Phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Khẩn trương hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần tinh-gọn-nhẹ-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả, gắn với đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống, để kết hợp tạo đột phá trong cải cách hành chính, khắc phục tình trạng nghe ngóng, chờ đợi, né tránh, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức; quyết liệt rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện kinh doanh, nhằm giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh SXKD./.
PV.