Thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay

Đăng ngày: 28/10/2021 , 10:13 GMT+7

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đang và đang làm cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng bị ảnh hưởng rất lớn. Tổng cục Thống kê công bố kết quả điều tra về xu hướng SXKD của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý III/2021 và dự báo xu hướng phát triển quý IV/2021. Chương trình khảo sát được thực hiện với 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo và của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

                                                    

Tổng quan chung về hoạt động sản xuất kinh doanh 

Trong số 5.663/6.500 doanh nghiệp trả lời chương trình khảo sát chỉ có 38,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt lên và giữ ổn định (13,2% tốt lên và 25,4% giữ ổn định),trong khi 61,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.  Về chỉ số đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản phẩm sản xuất cho thấy tình trạng khó khăn tương tự. Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất trang phục vẫn có kết quả hoạt động SXKD tốt hơn quý trước.

Dự báo quý IV/2021, tình hình khả quan hơn nhiều so với quý III/2021 khi có tới 73,7% doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định (43,4% tốt hơn, 30,3% giữ ổn định),tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 26,3%.

Trong quý III/2021, dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang gánh chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Nhận định về những nguyên nhân trực tiếp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, theo số liệu báo cáo, trong quý III/2021 có 50,9% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp; 46,0% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 35,0% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 33,0% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 24,2% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 23,9% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 18,8% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 18,1% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 15,1% doanh nghiệp đánh giá do thiết bị công nghệ lạc hậu; 11,5% doanh nghiệp đánh giá do chính sách pháp luật của nhà nước; 4,8% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận vốn vay và thiếu năng lượng là nhân tố ít ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp với 1,9% doanh nghiệp lựa chọn.

Tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19 như, số liệu quý III so với quý II của năm 2021 và dự báo tình hình quý IV cho thấy:

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 9,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD quý III/2021 tốt hơn và giữ ổn định (2,1% tốt hơn và 7,6% giữ ổn định); 90,3% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 có khả năng khả quan hơn quý III/2021 với 49,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (26,6% tốt hơn, 22,8% giữ ổn định), 50,6% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Bình Dương đánh giá khả quan hơn với 50,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình SXKD quý III/2021 tốt hơn và giữ ổn định (10,7% tốt hơn, 40,0% giữ ổn định), 49,3% khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 87,2% doanh nghiệp dự báo tốt hơn và giữ ổn định (47,3% tốt hơn, 39,9% giữ ổn định) và 12,8% khó khăn hơn.

Đồng Nai  chỉ có 0,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD quý III/2021 tốt hơn, 9,3% đánh giá giữ ổn định và 90,3% đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 lạc quan hơn với 75,8% tốt hơn và giữ ổn định (69,1% tốt hơn và 6,7% giữ ổn định), 24,2% khó khăn hơn.

Long An không có doanh nghiệp nào đánh giá tình hình SXKD của doanh nghiệp quý III/2021 tốt hơn, 28,1% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 79,9% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 tình hình lạc quan với 56,1% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 33,4% giữ nguyên và chỉ còn 10,5% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Về chỉ số cân bằng lầ chỉ sốthể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định giảm bao gồm chỉ số cân bằng chung và các chỉ số cân bằng thành phần.

Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp quý III/2021 so với quý II/2021 là -48,2% (13,2% tăng, 61,4% giảm). Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất với -43,8% (14,7% tăng, 58,5% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -48,2% (14,2% tăng, 62,4% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -49,8% (12,6% tăng, 62,4% giảm). 

Tại khu vực 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam, quý III/2021, chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu lao động, phát sinh chi phí lớn cho hoạt động SXKD theo mô hình sản xuất 3 tại chỗ, chỉ có 02/19 tỉnh chỉ số cân bằng lớn hơn chỉ số cân bằng chung toàn quốc là Bình Dương và Bạc Liêu. 17/19 tỉnh còn lại có chỉ số cân bằng thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau.

 Dự báo tình hình SXKD quý IV/2021 của khu vực này đều lạc quan hơn so với III/2021. Có tới 15/19 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 dự báo lớn hơn bình quân chung của cả nước gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Chỉ có 04/19 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ số cân bằng quý IV/2021 so với quý III/2021 thấp hơn mức bình quân chung cả nước nhưng vẫn cao hơn quý trước gồm: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Phước và Bến Tre. 

Các chỉ số cân bằng thành phần đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gồm: đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm như sau:

Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới, quý III/2021 so với quý II/2021 là -42,6% (12,8% doanh nghiệp nhận định tăng và 55,4% doanh nghiệp nhận định giảm). Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI đạt cao nhất với -38,9%; khu vực doanh nghiệp nhà nước -42,8%; thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với -44,1%. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 là 14,9% (39,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 24,3% doanh nghiệp dự báo giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 22,8%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 12,0% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 9,3%.

Chỉ số cân bằng sử dụng lao động, quý III/2021 so với quý II/2021 là -30,5% (5,7% doanh nghiệp nhận định tăng và 36,2% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng cao nhất của khu vực doanh nghiệp nhà nước -26,5% (5,0% doanh nghiệp nhận định tăng, 31,5% doanh nghiệp nhận định giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -30,2% (4,3% tăng, 34,5% giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI với -31,6% (9,6% tăng, 41,2% giảm). Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 là 6,5% (22,2% tăng và 15,7% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 19,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 2,6% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -7,3%.

Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất, quý III/2021 so với quý II/2021 là -42,4% (15,0% tăng và 57,4% giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với -39,3% (16,2% tăng, 55,5% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -43,4% (14,6% tăng, 58,0% giảm) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước -43,9% (15,2% tăng, 59,1% giảm). Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 là 19,6% (43,5% tăng, 23,9% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 30,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 15,8% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 12,3%.

Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm, quý III/2021 so với quý II/2021 là -5,7% (26,0% tăng và 31,7% giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất với -2,6% (27,6% tăng, 30,2% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -5,3% (25,2% tăng, 30,5% giảm) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI -7,5% (27,5% tăng, 35,0% giảm. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 là -16,1% (16,7% tăng, 32,8% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với -9,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -18,0% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -24,1%.

Những biến động của các yếu tố đầu vào

Số lượng đơn đặt hàng mới không lạc quan như các quý trước.Theo kết quả khảo sát quý III/2021,chỉ có 44,6% số doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên (12,8% tăng và 31,8% giữ nguyên),trong khi 55,4% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm so với quý II/2021 có 70,0% doanh nghiệp đánh giá đơn hàng mới tăng và giữ nguyên (29,6% tăng; 40,4% giữ nguyên) và 30,0% đánh giá giảm. Dự báo số lượng đơn hàng mới quý IV/2021 khả quan hơn với 75,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (39,2% tăng và 36,5% giữ nguyên),chỉ có 24,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm.

Phân loại theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý III/2021 tăng như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 29,1%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 24,7%; ngành sản xuất trang phục 19,3%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 71,4%; ngành sản xuất xe có động cơ 68,2%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 61,9%....

Đơn đặt hàng xuất khẩu mới, trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát, có 48,8% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý III/2021 tăng và giữ nguyên (11,7% tăng và 37,1% giữ nguyên); tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có đơn hàng xuất khẩu mới giảm là 51,2 %, so với quý II/2021 có 70,7% doanh nghiệp đánh giá đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (27,0% tăng; 43,7% giữ nguyên) và 29,3% đánh giá giảm. Dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý IV/2021 khả quan hơn với 77,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III/2021 (34,6% tăng và 43,0% giữ nguyên); 22,4% doanh nghiệp dự báo giảm.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2021 tăng như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 26,3%; ngành sản xuất đồ uống 20,8%; ngành sản xuất trang phục 18,5%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu quý III/2021 giảm như: ngành sản xuất thuốc lá 66,7%; ngành sản xuất giường tủ bàn ghế 62,4%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 61,7%... .

Tình hình sử dụng lao động, Lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2021 chỉ có 5,7% doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 so với quý II/2021 tăng; 58,1% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 36,2% doanh nghiệp đánh giá giảm. Dự báo sử dụng lao động ở quý IV/2021 so với quý III/2021 khả quan hơn với 84,3% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (22,2% tăng và 62,1% giữ nguyên), 15,7% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Phân theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 tăng như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 15,8%; ngành sản xuất trang phục 11,6%; ngành sản xuất thuốc lá 11,1%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 giảm gôm: ngành sản xuất thiết bị điện 44,8%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 44,0%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 42,6%...

Về chi phí sản xuất, tương ứng với sự sụt giảm của các chỉ tiêu trên, tỷ lệ doanh nghiệp có chi phí sản xuất tăng trong quý III/2021 khá cao, tương đương quý II/2021. Theo nhận định của các doanh nghiệp, có tới 89,8% số doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (39,2% tăng và 50,6% giữ nguyên); 10,2% doanh nghiệp đánh giá giảm. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 có tới 87,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (26,7% tăng và 60,5% giữ nguyên); chỉ có 12,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý III/2021 tăng như: ngành sản xuất thuốc lá 50,0%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 48,4%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 45,5%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý III/2021 giảm là ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 15,2%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 15,0%; ngành sản xuất thiết bị điện và ngành sản xuất xe có động cơ 13,8%...

Công suất sử dụng máy móc, thiết bị, trong quý III/2021, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 66,2% (quý II là 74,0%). Trong đó có 40,3% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 25,1% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến 70%; 17,6% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90 đến dưới 100% và 17,0% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý III/2021 cao như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 73,2%; ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá 70,9%; ngành sản xuất trang phục 70,3%... Một số ngành có công suất sử dụng máy móc, thiết bị quý III/2021 thấp như: ngành sản xuất chế biến thực phẩm 63,2%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác 59,7%; ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị 57,8%...

Dự kiến kết quả đầu ra  

Khối lượng sản xuất, kết quả khảo sát quý III/2021, có 42,6% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (15,0% tăng và 27,6% giữ nguyên); 57,4% doanh nghiệp đánh giá giảm. Dự báo quý IV/2021 có 76,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (43,5% tăng và 32,6% giữ nguyên); 23,9% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý III/2021 tăng như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 30,8%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 27,5%; ngành sản xuất trang phục 21,0%... Một số ngành giảm gồm: ngành sản xuất xe có động cơ 67,8%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 64,2%; ngành sản xuất đồ uống 63,6%... .

 

Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2021 của nhiều doanh nghiệp vẫn tương đương với quý II/2021. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên là 88,4% (20,5% tăng và 67,9% giữ nguyên),11,6% doanh nghiệp nhận định giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân trên một đơn vị sản xuất, quý IV/2021, tăng và giữ nguyên là 91,3% (19,8% tăng và 71,5% giữ nguyên),có 8,7% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân giảm.

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản xuất quý III/2021 tăng như: ngành sản xuất kim loại 33,1%; ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị 31,0%; ngành sản xuất thiết bị điện 28,5%... Một số ngành giảm như: ngành sản xuất xe có động cơ 23,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường tủ, bàn ghế) 15,5%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế 15,2%... 

Biến động tồn kho

Tồn kho thành phẩm, Theo đánh giá của các doanh nghiệp, có 26,0% số doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý III/2021 tăng so với quý II/2021; 42,3% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 31,7% đánh giá giảm. Dự báo quý IV/2021 có 16,7% doanh nghiệp dự báo tăng; 50,5% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng thành phẩm tồn kho; 32,8% doanh nghiệp dự báo giảm khối lượng thành phẩm tồn kho. Tính theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm quý III/2021 tăng như: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 34,6%; ngành sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 33,9%; ngành sản xuất đồ uống 32,3%... Một số ngành giảm so với quý II/2021 là ngành sản xuất thuốc lá 55,6%; ngành sản xuất thiết bị điện 41,4%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 38,9%... 

 

Tồn kho nguyên vật liệu, có 68,5% doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý III/2021 tăng và giữ nguyên (23,5% tăng và 45,0% giữ nguyên); 31,5% doanh nghiệp đánh giá giảm. Dự báo quý IV/2021 có 67,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng và giữ nguyên (15,6% tăng và 52,1% giữ nguyên); 32,3% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu. 

Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho nguyên vật liệu quý III/2021 tăng như: ngành sản xuất xe có động cơ 33,3%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 30,1%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 28,3%... Một số ngành giảm là ngành sản xuất thuốc lá 44,4%; ngành sản xuất thiết bị điện 43,5%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế 39,5%....

PV.

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 9+10/2021

Đăng ngày: 28/10/2021 , 10:13 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác