Cảng Chu Lai - cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa tại miền Trung Việt Nam
Đường ra biển của khu vực Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào
Tuyến vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Dak Taook hiện là con đường ngắn nhất kết nối khu vực Đông Thái Lan, Nam Lào với cảng quốc tế Chu Lai (Quảng Nam) và các cảng biển, khu kinh tế ở miền Trung Việt Nam, được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế. Tuy nhiên dịch vụ logistics trên tuyến đường huyết mạch này vẫn còn đơn lẻ, manh mún, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp logistics lớn có dịch vụ đa dạng, chất lượng, năng lực khai thác nguồn hàng đối lưu cao.
Xe THILOGI vận chuyển trái cây từ Attapeu (Lào) về tập kết chờ thông quan tại cửa khẩu quốc tế Dak Taook - Nam Giang
Là một trong những doanh nghiệp logistics hàng đầu miền Trung, Công ty Giao nhận - Vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã và đang tận dụng tốt các lợi thế để đẩy mạnh dịch vụ vận tải đường bộ xuyên biên giới từ Đông Bắc Thái Lan/Nam Lào –Pakxe/Attapue– Sekong qua cửa khẩu quốc tế Dak Taook - Nam Giang về cảng Chu Lai. Những năm gần đây, doanh nghiệp này đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện, hệ thống container lạnh, mở các tuyến vận chuyển rộng khắp và cung ứng dịch vụ logistics trọn gói gồm: dịch vụ cảng biển; forwarding vận tải biển quốc tế, nội địa; dịch vụ kho bãi; trung tâm phân phối và các thủ tục hải quan… với giải pháp tối ưu, chi phí hợp lý, giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa thuận tiện, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Xe của THILOGI vận chuyển hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Nam GIang
THILOGI là một trong những doanh nghiệp có quy mô và năng lực khai thác dịch vụ logistics xuất khẩu trái cây sản lượng lớn với hơn 1.000 container/tháng, tổng sản lượng vận chuyển trái cây và vật tư nông nghiệp đối lưu năm 2021 đạt 26.000 container. Ngày 25/02/2022, THILOGI đã vận chuyển lô 500 tấn trái cây của công ty HNG từ Lào qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Dak Taook về cảng Chu Lai để xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc. Theo kế hoạch, năm 2022, THILOGI sẽ vận chuyển gần 27.600 container trái cây từ các nông trường tại Lào, Campuchia đến cảng Chu Lai và hơn 11.600 container vật tư nông nghiệp đối lưu. Ông Nguyễn Văn Hội - Giám đốc Kinh doanh HNG đánh giá: “THILOGI hiện đang là đối tác logistics chiến lược của chúng tôi. Xét tổng thể, chất lượng dịch vụ, tuyến vận chuyển, phương tiện vận tải của THILOGI khá tốt so với mặt bằng chung hiện nay, chi phí dịch vụ ở mức hợp lý”.
Khai thác tiềm năng xuất khẩu nông sản của vùng EWEC 2
Xếp trái cây lên xe chuyên dụng vận chuyển nông sản của THILOGI
Theo thống kê, nguồn hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang chủ yếu là tinh bột sắn, máy móc thiết bị tái nhập, vật tư xây dựng… Các sản phẩm nông sản còn khá hạn chế mặc dù tại Lào, Thái Lan có rất nhiều vùng trồng trái cây, nông sản được đầu tư lớn. THILOGI sẽ tập trung khai thác nhu cầu vận chuyển nông sản xuất khẩu tại khu vực cao nguyên Boloven; vùng trồng cà phê, hồ tiêu, dược liệu… tại các tỉnh Sekong, Champasack, Salavan; các nông trường chuối, dứa, thanh long tại Attapeu (Lào); các vùng trồng cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, nhãn… ở các tỉnh Ubon Raychathani, Sisaket, Yasothon, Charoen, Buriam… (Thái Lan). Tại Myanmar, THILOGI đầu tư phát triển tuyến vận chuyển xuyên biên giới kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 (EWEC 2)từ thành phố cảng Mawlamyine về cảng Chu Lai để xuất khẩu sang các nước Tây Á.
Trái cây được đưa vào container lạnh vận chuyển từ nông trường về cảng Chu Lai
Ông Bùi Minh Trực - Phó Tổng giám đốc THILOGI cho biết: “THILOGI đã làm việc Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam để xây dựng đề án thành lập Depot cung cấp các dịch vụ kho, bãi để tập kết kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu; các trạm sửa chữa, trạm nhiên liệu và các dịch vụ phụ trợ… tại cửa khẩu quốc tế Nam Giang, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng”. Song song đó, công ty tiếp tục đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm quản lý vận tải (STM), khai thác cảng và cảng điện tử ePort, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng; phát triển đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng bến cảng nước sâu 5 vạn tấn tại cảng Chu Lai. Dự án sau khi hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội khai thác hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực, trong đó có nguồn hàng từ vùng Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Như Long