Ngay trong tháng đầu năm 2025, khu vực sản xuất công nghiệp trên cả nước đã có dấu hiệu phục hồi mạnh.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý I/2025, đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025. Điển hình như Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã nhận đơn hàng đến tháng 6/2025; Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến đã có đơn hàng đến tháng 5/2025.
Bên cạnh đó, một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định… sản xuất công nghiệp cũng đang tăng tốc. Nhiều doanh nghiệp đã đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành khối lượng sản phẩm trước thời gian, giao hàng đúng hạn hợp đồng, đồng thời tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024. Theo đó, cần tập trung nhiều giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) dự báo, trong năm 2025, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại cùng những căng thẳng địa chính trị mới. Trong nước, các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội thị trường hơn từ việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao…
Ở góc độ cơ quan nhà nước, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 9-10%, Cục Công nghiệp cho biết, ngành Công Thương sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...
Để góp phần, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của năm 2025, sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Tiếp đó, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc./.
PV.