Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế

Đăng ngày: 18/09/2022 , 08:26 GMT+7

Sáng 16/9, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hội nhập quốc tế là một quá trình Việt Nam đã tổ chức triển khai trong rất nhiều năm qua và đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác thông tin về hội nhập quốc tế thời gian qua cũng đã được đẩy mạnh để truyền tải được định hướng từ các cam kết quốc tế, các tác động, ảnh hưởng cũng như nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong nước. Trong đó, việc cung cấp thông tin về hội nhập quốc tế cho người dân, doanh nghiệp thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí là kênh quan trọng nhất.

Thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, trên cơ sở nhu cầu nâng cao nhận thức và tăng cường kiến thức cho các cơ quan báo chí về hội nhập quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn về nội dung này.

Theo ông Long, thông qua việc tổ chức hội nghị nhằm cung cấp, cập nhật thông tin mới nhất về tiến trình hội nhập, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác đối ngoại, phân tích tác động, ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia và đồng thời, từ góc nhìn của các cơ quan quản lý, những người xây dựng chính sách, có những phân tích, đánh giá về tác động, ảnh hưởng tới một số lĩnh vực cụ thể…

Ông Đinh Nho Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) cho biết, thế giới có những thay đổi nhanh chóng, mang tính chất chuyển giai đoạn, như: Quá trình toàn cầu hóa tiếp diễn nhưng có màu sắc mới; quan hệ nước lớn phức tạp; sự vươn lên của Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Á - Thái Bình Dương; nhiều vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, an ninh mới trở thành những thách thức lớn…

Tại Mỹ, giá khí đốt tăng hơn 180% và giá xăng tăng gấp đôi kể từ đầu năm, CPI cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1982 (9,1%). Tại châu Âu, giá khí đốt tăng khoảng 500%, lạm phát ở 19 nước Eurozone ở mức cao nhất trong 24 năm (8,6%). Ngân hàng thế giới cảnh báo, từ nay đến cuối năm 2022, có 12 nước gặp khó khăn về nợ công, nợ nước ngoài. Thế giới cũng đang đối diện với khủng hoảng lương thực, 36 quốc gia phụ thuộc 1/2 nguồn nhập khẩu lúa mỳ từ Nga và Ucraina, trong số đó, nhiều quốc gia kém phát triển, dễ bị tổn thương như Somalia, Lebanon, Syria, Yemen.

Thế giới cơ bản đã chuyển từ đối phó với đại dịch Covid-19 là chính sang cơ bản thích ứng an toàn với Covid-19. Đại đa số các nước mở cửa trở lại, "bình thường hóa" giao lưu trên hầu hết các lĩnh vực. Theo đó, 5 vấn đề, xu hướng lớn đang được quan tâm là: Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, thay đổi về lao động.

Tại Việt Nam, xu hướng chuyển đổi kinh tế xanh, chuyển đổi số mở ra cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng (năng lượng, vận tải biển, vận tải đường bộ, hàng không, phát triển thành phố xanh và thông minh); tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang sắp xếp lại; nâng cao năng lực logistics; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực, thu hút FDI chất lượng.

Kết quả Việt Nam đã tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. 6 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,42%, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch, sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ về các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội - thách thức, quyền lợi - trách nhiệm của doanh nghiệp khi triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thạc sỹ Lâm Thị Quỳnh Anh, Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế quốc tế trong nước, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương, cho biết, chủ trương của Việt Nam hiện nay là hội nhập toàn diện với 3 trụ cột: hội nhập quốc tế về kinh tế; hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.

Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội.

Theo bà Quỳnh Anh, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế nói chung và FTA nói riêng. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như tuân thủ quy định của thị trường đối tác; áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý; xây dựng chiến lược, lựa chọn khách hàng, lựa chọn thị trường.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đưa ra các lưu ý đối với việc xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Bà Trang cho rằng, nông sản là nhóm Việt Nam tập trung yêu cầu đối tác FTA mở cửa thị trường mạnh. Thêm vào đó, phần lớn nông sản Việt Nam có khả năng đáp ứng cao với quy tắc xuất xứ FTA, đây cũng là nhóm một số đối tác FTA sẵn sàng mở cửa cho nước ta./. 

Đình Thế

 

Đăng ngày: 18/09/2022 , 08:26 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác