Phòng vệ thương mại: Cần cái nhìn tổng quát và chuyên sâu

Đăng ngày: 20/11/2021 , 07:31 GMT+7

Sáng ngày 19/11/2021, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí. Chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu đại diện các vụ, cục liên quan và đông đảo các phóng viên, nhà báo tham dự, đưa tin.

Hội nghị diễn ra trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Hà nội và Tp. Hồ Chí Minh

Hội nghị tập trung tìm hiểu về một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế đó là phòng vệ thương mại. Việt Nam đã và đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Năm 2020, Việt Nam cùng 14 nước khác ký kết Hiệp định RCEP và sau đó là các FTA với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

PVTM xuất hiện từ rất sớm và được sử dụng thường xuyên trong thương mại quốc tế. Biện pháp này ra đời và phát triển cùng với tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế. PVTM gồm các biện pháp như: Tự vệ (áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước); Chống bán phá giá (CBPG); và chống trợ cấp (áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh bị bán phá giá hoặc được nước xuất khẩu trợ cấp).

Thứ trưởng Bộ CôngThương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị

Biện pháp PVTM có tác động nhiều mặt, lâu dài không phải là những lợi ích trước mắt. Các biện pháp này có thể xuất hiện cả ở chiều xuất khẩu cũng như chiều nhập khẩu vì thế thời gian qua PVTM được các nước sử dụng rất nhiều và hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và báo chí. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã nhấn mạnh, báo chí là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp và mong muốn PVTM được quan tâm, cập nhật các vấn đề chuyên sâu để phản ảnh khách quan, chính xác và chân thực vì lợi ích chung. Các vấn đề được Thứ trưởng đặt ra như: Tại sao họ (các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam) lại sử dụng PVTM chống lại ta nhiều như vậy? Tại sao lại nói là ta “lẩn tránh”…

Hoạt động ngoại thương trong thực tiễn thời gian qua cho thấy sự phát triển của nền kinh tế với quy mô ngày càng lớn. Nếu tính từ thời điểm Việt Nam ký kết, thực hiện FTA với Hòa Kỳ năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu mới đạt hơn 30 tỷ USD. Đến năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta đã đạt mức 100 tỷ USD và 4 năm sau đó đạt 200 tỷ USD và đến năm 2019 đạt mức 517 tỷ USD. Sự phát triển này cho thấy hàng hóa của Việt Nam đã cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, hàng hóa nhập khẩu cũng nhiều hơn và cạnh tranh khá quyết liệt với hàng trong nước. Đây là hệ quả tất yếu của việc mở rộng cửa nền kinh tế và hội nhập với thế giới bên ngoài.

Để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế, các nước thành viên WTO và các nước ký kết các hiệp định thương mại tự do đã thiết kế một công cụ gọi là phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm bảo vệ các lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp trong hoạt động ngoại thương giữa các nước.

Tham luận tại Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) có những chia sẻ khái quát về tình hình đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam hiện nay và tác động của các FTA đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước bối cảnh thương mại quốc tế và hàng loạt các FTA mà Việt Nam đã ký kết, hàng hoá của nước ta đã thực hiện gần hết nhưng còn nhiều mặt hàng bị “rào cản kỹ thuật”. Các FTA thế hệ mới đã đạt được các cam kết về thuế (gần 100%) tuy nhiên hàng rào thương mại, nhất là các hàng rào phi thuế quan ngày càng nhiều và khó vượt qua. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những ảnh hưởng nghiêm trọng đế hoạt động sản xuất kinh doanh, khó đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường mới. Vì thế, cần có những giải pháp phù hợp để phòng chống dịch bệnh và duy trì, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Về thực hiện các biên pháp PVTM, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương),ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng cho rằng thời gian qua Cục Phòng vệ thương mại đã thực hiện hiệu quả hoạt động hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó và sử dụng công cụ PVTM trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đặc biệt là việc xác định điều kiện và quy trình để áp dụng biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo cao nhất các lợi ích hợp pháp khi tham gia các hoạt động thương mại quốc tế. Cục thực hiện thường xuyên việc duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Hỗ trợ các thủ tục pháp lý, bày tỏ quan điểm phản bác lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình xử lý vụ việc…

Đại diện của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI),bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập đã chia sẻ về thực tiễn ứng phó và sử dụng công cụ PVTM từ góc độ doanh nghiệp và các lưu ý với cơ quan báo chí trong truyền thông về các vụ việc PVTM. Bà Trang nhấn mạnh, thời gian này, hiểu biết về PVTM và cách ứng phó của doanh nghiệp đã được cải thiện. Sau những vấp váp ban đầu một số hiệp hội doanh nghiệp đã thành thục trong công tác ứng phó, nhiều vụ việc có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các nhà nhập khẩu. Kết quả có nhiều thuận lợi trong các lần rà soát hành chính và có tới 20 – 22% vụ điều tra chống bán phá giá không đi tới kết quả áp thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều bất lợi như cơ chế “nền kinh tế phi thị trường” hay “tình trạng thị trường đặc biệt” từ các nước đối tác; Thiếu sự chuẩn bị đầy đủ để kháng kiện hiệu quả; Thiếu minh bạch, khác biệt ngôn ngữ, pháp lý, văn hoá…; hoặc quy trình quá chặt chẽ…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã thay mặt ban tổ chức cảm ơn và nhiệt liệt hoan nghênh các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, mặc dù PVTM không còn là khái niệm mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội nước ta vẫn còn thụ động trước các biện pháp PVTM, dẫn đến chịu thiệt hại khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hoặc bị nước ngoài điều tra và áp thuế PVTM. Năm 2020 và 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, thì các vụ việc điều tra PVTM đối với các hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng gia tăng. Hiện nay, nươc sta đang phải đối đầu với gần 50 vụ việcpVTM, tương đương với 22% tổng số vụ việc từ trước đến nay. Trong khi đó, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức 270 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này tạo sức ép không nhỏ đến sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xu thế sử dụng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng thì công tác cảnh báo sớm và tuyên truyền, thông tin về PVTM đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết. Hội nghị lần này là hoạt động kịp thời giúp các phóng viên, cơ quan báo chí có cái nhìn sâu sắc, toàn cảnh về lĩnh vực PVTM trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta với các nước, thực hiện yêu cầu mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra “chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”; đồng thời “nghiên cứu các biện pháp phòng vệ thích hợp, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng không tái với các cam kết quốc tế”.

Vũ Trìu

Đăng ngày: 20/11/2021 , 07:31 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác