Rào cản và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

Đăng ngày: 25/07/2022 , 15:07 GMT+7
Để làm rõ hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ngày 25 tháng 7 năm 2022, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hội thảo “Rào cản và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp”.

Tham dự Hội thảo, ngoài các chuyên gia từ Viện Kinh tế Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp cả trực tiếp và trực tuyến. Đến nay số lượng doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số ngày một tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Theo tính toán có trên 90% doanh nghiệp trong lĩnh vực này quan tâm đến việc chuyển đổi số. Tại Hội thảo, PGS- Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Việc chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng sâu rộng trong các doanh nghiệp và ở toàn bộ các khâu từ trực tiếp sản xuất kinh doanh đến các cấp quản lý”.

Quang cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, việc nhận thức về chuyển đổi số của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện đại hóa công nghệ thông tin hay áp dụng các trang thiết bị hiện đại đã là chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chi phí cao, nhân lực yếu cũng là những rào cản đáng kể đối với việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Nhiều lĩnh vực như robot, thiết bị IoT còn khá mới nên chưa được quan tâm đúng mức.

Tại Hội thảo, một doanh nghiệp làm công tác đào tạo cũng cho biết: Hiện nay việc đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số chưa nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp, hoặc có thì việc đào tạo chưa bài bản chuyên sâu. Việc đào tạo chủ yếu nhỏ lẻ, hoặc mang tính tự phát.

Nói về giải pháp để việc chuyển đổi số diễn ra sâu rộng hơn, nhiều đại biểu cùng quan điểm: Dù chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp nhưng các ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ phải đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, PGS - TS Bùi Quang Tuấn cho biết: “Với 38% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào, thì việc chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm mô hình kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn sau đại dịch”. Tuy nhiên, qua một khảo sát gần đây, việc chuyển đổi số được quan tâm ở hoạt động quản trị, logistic, marketing… nhưng khâu quan trọng nhất là sản xuất thì lại chưa được chú trọng.

Ảnh minh hoạ

Nhìn rộng ra, để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và có sự quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Việt Nam là thị trường lớn cho áp dụng ứng dụng nền tảng số. Vấn đề là các doanh nghiệp công nghệ số phải nắm bắt nhu cầu, giới thiệu được những tiện ích bên cạnh sự tuyên truyền và chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Kết luận Hội thảo, PGS Tuấn khẳng định: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng là vấn đề cần thiết và không thể đảo ngược, cần được quan tâm và diễn ra liên tục. Trong khuôn khổ Hội thảo, những ý kiến đóng góp, bài phát biểu đều là những giải pháp hữu ích để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước tham khảo nhằm thực hiện chiến lược chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp và cả nước diễn ra nhanh và thực chất hơn./.

PV

Đăng ngày: 25/07/2022 , 15:07 GMT+7

Tin liên quan