Ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện chủ trương hạ lãi suất, hỗ trợ phát triển kinh tế

Đăng ngày: 27/05/2023 , 14:37 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tiếp tục giảm 0,5% một số loại lãi suất điều hành, đại diện các ngân hàng thương mại tích cực thực hiện chỉ đạo và khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như là hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung của cả nước.

 

Các NHTM tích cực tìm giải pháp triển khai chủ trương hạ lãi suất

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm và đã qua đỉnh, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh tại một số quốc gia lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều NHTW điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất, Fed phát tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất sau lần điều chỉnh tăng ngày 2/5/2023. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: IMF (01/2023): 2,9%; WB (01/2023): 1,7%; trong khi đó dự báo lạm phát toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng: IMF (01/2023): 6,6% (trước đó dự báo 6,5%) và 4,3% năm 2024 (trước đó là 4,1%).

Trong nước, 4 tháng đầu năm 2023 một số chỉ số đại diện cho tăng trưởng kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ. GDP Quý I/2023 tăng 3,32% là mức tăng thấp nhất của Quý I trong vòng 10 năm trở lại đây (trừ quý I/2020 là thời điểm bắt đầu bùng phát dịch Covid-19). Chỉ số PMI giảm liên tiếp từ mức 51,2 trong tháng 2 xuống còn 47,7 trong tháng 3 và 46,7 trong tháng 4.Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,8-6,8%.  Dự báo tăng trưởng 2023: WB (1/2023): 6,3%; HSBC (2/2023): 5,8%; Ngân hàng UOB (01/2023): 6,6%; dự thảo báo cáo AREO của AMRO (2/2023): 6,8%.

Lạm phát có dấu hiệu qua đỉnh, tăng chậm lại trong 4 tháng đầu năm 2023 do tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại; đồng thời giá xăng dầu, nguyên vật liệu trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới. Bình quân 4 tháng 2023, xăng dầu trong nước giảm 12,22% so với cùng kỳ 2022, làm CPI chung giảm 0,44%. So với cùng kỳ, lạm phát giảm từ mức 4,89% trong tháng 1 xuống 2,81% trong tháng 4, bình quân 4 tháng đầu năm 2023 là 3,84%; LPCB giảm từ 5,21% tháng 1 xuống 4,56% tháng 4, bình quân  4 tháng đầu năm 2023 là 4,9%. Các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 3%-5,5%. Dự báo lạm phát 2023: IMF (4/2023): 5,0%; WB (3/2023): 4,5%; HSBC (4/2023): 4%; ADB (4/2023): 4,5%; Standard Chartered (2/2023): 5,5%; dự thảo báo cáo AREO của AMRO (2/2023): 3,0%.

Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào và có dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều biện pháp và công cụ CSTT để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế. Các giải pháp điều hành linh hoạt thanh khoản của NHNN đã góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ TCTD giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Tình hình lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, để giảm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 03 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-1,5%/năm. Đồng thời trong tháng 5/2023, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã và đang có các biện pháp  giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các TCTD giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 5 này, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về động thái liên tiếp hạ lãi suất điều hành của NHNN, Ông Lê Quang Vinh – Phó TGĐ NHTMCP Ngoại thương Việt Nam khẳng định: Vietcombank luôn theo sát các chỉ đạo điều hành về chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN. Có thể nói trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo kênh CSTT rất kinh hoạt, kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tạo điều kiện cho các NHTM có thể hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng của mình. Đối với lần giảm lãi suất lần này, chúng tôi thấy đây là một quyết định đúng đắn, cũng đúng thời điểm và Vietcombank cũng sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan để trả lãi suất theo chỉ đạo của NHNN.

Đối với giảm lãi suất có thể nói Vietcombank xác định là NHTM nhà nước lớn và chúng tôi luôn chủ động trong việc giảm lãi suất cho khách hàng, cho doanh nghiệp và người dân. Từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn, một là từ 1/1 – 30/4 Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, chúng tôi đã triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 – 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ. Vietcombank cũng hy vọng sự hỗ trợ, góp phần của Vietcombank trong việc giảm lãi suất đó sẽ giúp cho doanh nghiệp cũng như người dân có thể vượt qua giai đoạn thách thức hiện nay, đồng thời cùng với NHNN cũng như Chính Phủ thực hiện ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô. Việc giảm lãi suất là sự đồng thuận, đồng lòng của các ngân hàng cũng như là mong muốn, nguyện vọng của đông đảo người dân cũng như doanh nghiệp.

Với đợt giảm lãi suất lần thứ 3 của NHNN, khi so sánh với mức cho vay hiện nay, khi mặc bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều thì đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Vietcombank cũng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như là hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung.

Ông Phạm Như Ánh - TGĐ NH TMCP Quân Đội cho rằng:  Từ đầu năm đến nay NHNN đã điều hành giảm lãi suất liên tục và  ngày hôm qua tiếp tục điều hành giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp giúp các ngân hàng hạ lãi suất huy động và từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Với thị trường hiện đang hấp thu vốn rất yếu và kinh tế rất khó khăn như hiện nay thì việc giảm lãi suất điều hành giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hành và cả các ngân hàng trong thời gian tới.

Song song với việc giảm lãi suất điều hành của NHNN, ngân hàng MB cũng đã liên tục đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng, giảm lãi suất cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên. Từ đầu năm đến nay Mb cũng đã tung ra 120.000 tỷ các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Trong thời gian  vừa rồi MB cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của  Chính phủ và NHNN. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất huy động lần này thì MB sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới.

Tăng trưởng tin dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5% chúng tôi kì vọng rằng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng tin dụng tốt hơn trong các tháng còn lại, Dự kiến hết tháng 6 tốc  độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%.

Ông Nguyễn Hưng TGĐ – NH TMCP Tiên phong chia sẻ về những tác động tới mặt bằng huy động vốn, ch phí vốn của các NHTM khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 0,5%. Ông Hưng cho rằng các động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN khá phù hợp. Nó gửi tín hiệu đến thị trường cho thấy nhà điều hành mong muốn lãi suất của thị trường hạ xuống. Trong quý IV và quý I năm nay có lúc lãi suất lên…nhưng sau các quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN thì lãi suất giảm, và chỉ khi các lãi suất trên thị trường hạ xuống chi phí vốn hạ thì các NHTM mới có khả năng điều chỉnh mức lãi suất cho vay cho DN và người dân, khi đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế.

Với NH TMCP Tiên phong, LS huy động từ tổ chức và NH tư thời gian qua đang leo cao. Với động thái này của NHNN chắc chắn trong thời gian tới LS sẽ hạ xuống và chi phí vốn cũng hạ. Các NHTM đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm LS nhưng cái lớn nhất trong khấu phần LS cho vay là chi phí vốn. Nếu giảm được chi phí vốn các NH rất có cơ hội giảm đáng kể hơn LS cho vay. Nếu vậy cúng tôi cũng đưa ra một số chương trình hỗ trợ cho người dân vay vốn, hạ lãi suất cho vay xuống để giúp cho DN vượt qua khó khăn.

Mặc dù đã 2 lần hạ LS NHNN cũng đã có bước chuẩn bị và chúng ta có thể kiểm soát được. Tất nhiên có thể đi ngược xu thế thế giới nhưng cũng có 1 số điểm tích cực là có thể khiến Fed dừng việc điều chỉnh thang LS… NHNN đã có những bước chuẩn bị, chúng ta đã có những thực lực để kiểm soát được tình hình. Nhiều ngân hàng đã chủ động được việc kiểm soát tỷ giá tất nhiên là có những cái đi ngược với xu thế của thế giới nhưng hiện nay cũng có một số các biểu hiện tích cực như có thể là FED hoặc một số các NHTW khác họ có thể tạm dừng điều chỉnh thang lãi suất điều đó tốt hơn cho NHTW ra quyết định lãi suất điều hành. Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như thế, người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn thì việc hạ lãi suất là cần thiết và nên làm.

Đánh giá những tác động về nhu cầu vay vốn của thị trường, ông Hưng chia sẻ: Đối với ngân hàng Tiên phong, hiện nay mức tăng của chúng tôi ở độ hơn 5%, có thể nói rằng nếu lãi suất thấp hơn, khách hàng dễ tiếp cận vốn hơn. Trong giai đoạn hiện nay, thu nhập của doanh nghiệp đang giảm thấp, chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng. Một khi lãi suất dễ chịu hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng.

Theo đánh giá của NHNN, thời gian tới, lạm phát toàn cầu được dự báo duy trì ở mức cao, các NHTW tiếp tục thắt chặt CSTT; trong nước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản cùng xu hướng giảm nhưng LPCB vẫn tương đối cao. Do đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.

PV.

 

Đăng ngày: 27/05/2023 , 14:37 GMT+7

Tin liên quan