Ngành thép: Muốn phát triển tốt cần tác động mạnh

Đăng ngày: 03/06/2024 , 15:40 GMT+7

Đó là ý kiến chia sẻ của nhiều chuyên gia ngành thép và cho rằng, tình hình thị trường thép ảm đạm như này khả năng đến hết năm 2025 vẫn gặp khó nếu không có tác động mạnh từ khơi thông thị trường bất động sản.

Sản phẩm của tôn Đông Á

 

Tại sao ngành thép chưa hết khó

Nhận định cụ thể về thị trường thép tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tôn Đông Á- doanh nghiệp “Top” đầu thị trường về sản phẩm tôn chất lượng cao, cho rằng: Thị trường thép vài năm gần đây gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu cũng giảm. Những năm trước đây, như tôn Đông Á xuất khẩu chiếm khoảng trên 40% tổng sản lượng sản xuất, tiêu thụ trong nước trên 50%, hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt. Tuy nhiên do tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn; kinh tế thế giới phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định nên doanh nghiệp rất khó định hướng để đầu tư.

Bên cạnh đó, đầu tư công chưa có gì nổi bật. Thị trường bất động sản cũng như xây dựng nhà ở cũng không nhiều, kéo theo việc tiêu thụ các sản phẩm thép trong nước cũng như xuất khẩu vẫn chưa mấy khởi sắc. Nhưng, một ưu điểm nổi bật cho thấy, thời gian qua Việt Nam đã thu hút đầu tư của nước ngoài (FDI) khá tốt trong việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam, phần nào đã giúp cho sản xuất thép tiêu thụ tăng thêm, nhưng chưa thể kéo theo cả thị trường thép tốt hơn được và chỉ khi thị trường bất động sản được khơi thông, xây dựng các công trình được triển khanh mạnh mẽ thị ngành thép mới cắt đứt được khó khăn như hiện nay.

Sản phẩm thép /V/ của thép Miền Nam

Được biết, những năm qua Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL là doanh nghiệp chủ lực về hiệu quả trong Tổng công ty Thép Việt Nam, nhưng vài năm gần đây do thị trường tiêu thụ thép quá khó khăn nên có thời điểm công ty này còn thua lỗ. Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Thanh Cảnh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL cho biết: Chưa khi nào sức tiêu thụ thép kém như hiện nay, đặc biệt là phía Nam, quá khó khăn cho doanh nghiệp, giá đầu vào hầu như tăng, giá bán không tăng, không cân đối với đầu vào và đầu ra, mặc dù doanh nghiệp cố gắng hết sức, tiết kiệm, cắt giảm tối đa mọi chi phí để duy trì không thua lỗ, tạo việc làm cho người lao động là tốt lắm rồi. 5 tháng đầu năm tiêu thụ khó, và dự tính từ nay tới cuối năm 2024 và năm 2025 khả năng cao thị trường thép vẫn chưa có chuyển biến nhiều. Chỉ khi giải ngân đầu tư công mạnh và thị trường bất động sản sôi động trở lại, có nhiều công trình xây dựng mới hy vọng tiêu thụ thép tốt.

Đối với doanh nghiệp sản xuất thép dài khu vực phía Bắc, được biết, Công ty TNHH MTV Vinausteel- doanh nghiệp có bề dày truyền thống sản xuất và cung cấp sản phẩm thép dài, nổi trội nhất là mảng dân dụng nên trong những năm qua lợi nhuận của Vinausteel luôn trong đỉnh cao. Nhưng, thời gian gần đây thị trường khó khăn chung nên lợi nhuận của công ty hiệu quả không đạt được như mong muốn.

Lý giải nguyên nhân khó khăn chung, ông Ngô Đình Khôi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vinausteel cho rằng, thị trường tiêu thụ thép rất chậm, năm 2023 khó khăn, nhưng sang năm 2024 tính chung 5 tháng đầu năm cũng vẫn còn nhiều khó khăn. Như tiêu thụ của công ty 5 tháng đầu năm giảm khoảng 5% so với cùng kỳ, đạt hơn 100.000 tấn, khó nhất phải kể tới thời điểm tháng 2 và 3. Tới tháng 4 và 5 tiêu thụ khá hơn chút, nhưng kéo theo lũy kế tính chung lại không cao. Ông Khôi cũng cho rằng, cái khó chính bởi nhu cầu dân dụng năm 2024 triển khai muộn hơn so với trước nên nhu cầu không cao. Cùng với đó, các đại lý, cửa hàng, nhà phân phối trước đó đầu cơ khá lớn, thị trường yếu, chậm nên việc sản xuất kinh doanh gặp khó.

Đi cùng với khó khăn của thị trường thì hiệu quả của doanh nghiệp không cao bởi, giá nguyên nhiên liệu, phôi- sản phẩm chính đầu vào cho sản xuất thép từ đầu năm tới nay luôn cao, song giá bán thép gần như khống chế không được tăng. Hiện nay giá thép đang dao động (chưa thuế) khoảng 13,5 - 14 triệu đồng/tấn. Trong khi đó giá phôi trung bình khoảng 12,2 - 13 triệu đồng/tấn (như tuần qua có lúc rơi vào 13,5 triệu đồng/tấn). Chi phí đầu vào cao, song giá bán gần như khống chế, rất áp lực cho nhà sản xuất. Vì vậy, giá bán cần được điều chỉnh phù hợp với đầu vào mới giúp nhà sản xuất có hiệu quả.

Sản phẩm thép dài của Vinausteel

 

Cung vượt gấp 2 cầu
Đánh giá về thị trường thép, ông Nghiêm Xuân Đa - Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - VNSTEEL, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Thực tế hiện nay nguồn cung các sản phẩm thép đang vượt xa cầu. Đơn cử như thép dài dự kiến nguồn cung khoảng 18 -  19 triệu tấn, nhưng cầu chỉ khoảng 12 triệu tấn.

Đối với sản phẩm tôn, sản xuất khoảng 8,5 - 9 triệu tấn, nhưng cầu chỉ khoảng tấn 4 - 5 triệu tấn. Kết quả đó cho thấy cung đang vượt cầu gấp khoảng 2 lần, một con số chênh lệch quá lớn. Vậy, lấy động lực nào để kéo cầu lên ngang cung? đây là bài toán gần như chưa có lời giải!

Nguyên nhân thị trường thép đang cung vượt cầu quá lớn bởi có nhiều yếu tố tác động. Thứ nhất, sản phẩm thép từ Trung Quốc vào Việt Nam không ngừng gia tăng, giá rẻ nên hàng chất lượng trong nước khó có thể cạnh tranh. Thứ hai, thị trường bất động sản vài năm trở lại đây gần như đóng băng, ít có xây dựng. Thứ 3, từ khi dịch Covid hoành hành khiến cho kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép không nhiều.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp phát triển, được biết, những năm vừa qua, Chính phủ rất quan tâm đến đầu tư công, đã có những hành động cụ thể trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là đẩy mạnh làm đường cao tốc Bắc, Nam… Nhưng làm đường cao tốc tiêu thụ thép không đáng kể. Song đến nay việc giải ngân đầu tư công còn chậm. Tính trong 3 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 80.000 tỷ đồng và đạt tỷ lệ hơn 13,7%. Để đạt được mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2024 vẫn là một thách thức lớn.

Làm sao để thúc đẩy tiêu thụ thép tốt hơn?

Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ và chỉ khi thị trường bất động sản được khơi thông, các công trình xây dựng nhà ở… được triển khai nhiều khi đó mới kéo theo được thị trường thép bứt phá, bởi trong đó sản phẩm thép xây dựng chiếm khoảng 80%.

Đa số ý kiến chuyên gia trong ngành thép và lãnh đạo đại diện doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép cho rằng: Khi thị trường bất động sản hoạt động tốt không chỉ kéo theo ngành thép phát triển tốt, còn kéo theo chuỗi tác động chéo cho các doanh nghiệp hoạt động khác như xây dựng, xi măng, gạch, ô tô chế tạo, vậy liệu xây dựng khác… và tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhiều lao động, tác động mạnh mẽ tới các chương trình an sinh xã hội khác… Nếu không được khơi thông thị trường bất động sản thì hết năm 2015 thị trường thép vẫn chưa thể tốt hơn.

Kim Tuyến

 

Đăng ngày: 03/06/2024 , 15:40 GMT+7

Tin liên quan