Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam tổ chức lễ ra mắt thương hiệu và giới thiệu sản phẩm cây Đàn hương

Đăng ngày: 14/08/2023 , 07:51 GMT+7

Sáng 12/8/2023 tại Hà Nội, Tập đoàn Đàn hương Việt Nam - VSG Group đã tổ chức chương trình Lễ ra mắt thương hiệu Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam và Tọa đàm Phát triển cây Đàn hương Việt Nam.

 

Lễ ra mắt thương hiệu Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam và Tọa đàm Phát triển cây Đàn hương Việt Nam

Đại biểu tham dự: Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam Lưu Bình Nhưỡng; TS.Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội... cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế, các doanh nghiệp và hơn 30 chủ trang trại trồng cây đàn hương.

Phía Tập đoàn Đàn hương Việt Nam có: ông Đoàn Văn Thức – Chủ tịch Tập đoàn Đàn hương Việt Nam; ông Phạm Ngọc Thanh – Phó Chủ tịch Tập đoàn Đàn hương Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm (ISAF); Tiến sĩ Vũ Văn Thoại - Phó Chủ tịch Tập Đoàn Đàn Hương Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐKH ISAF; ông Huỳnh Văn Chiến - Thành viên HĐQT Tập đoàn Đàn hương Việt Nam; ông Vũ Văn Hà - Tổng giám đốc, Tập Đoàn Đàn Hương Việt Nam; bà Trần Thị Hiếu - Viện trưởng ISAF cùng các thành viên VSG Group.

Lễ ra mắt thương hiệu “Tập đoàn Đàn hương Việt Nam và Tọa đàm Phát triển cây Đàn hương Việt Nam” được tổ chức nhằm giới thiệu Tập đoàn Đàn hương Việt Nam gắn với các sản phẩm từ cây Đàn hương đang được trồng và phát triển đại trà ở Việt Nam hướng tới phát triển hệ sinh thái xanh, bền vững từ cây đàn hương với những giá trị đặc biệt cho sức khỏe con người khi sử dụng các sản phẩm hữu ích từ loại cây này.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Đàn hương Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý ISAF Phạm Ngọc Thanh phát biểu.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đàn hương Việt Nam cho biết, Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm được thành lập từ năm 2015 theo Quyết định số 248/QĐ ngày 14/4/2015 của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VIệt Nam. Được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động số A-1259 ngày 24/4/2015. Hơn 9 năm xây dựng và phát triển, Viện đã thu hút nhiều nhà khoa học, kỹ thuật viên triển khai trồng khảo nghiệm thành công cây Đàn hương và chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây Đàn hương cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Hiện nay, ở nước ta, cây Đàn hương đã được trồng với quy mô 3000ha ở 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với thành công từ cây Đàn hương, Viện đã và đang tiếp tục nghiên cứu trồng khảo nghiệm các loại thực vật quý hiếm khác.

Quang cảnh buổi Lễ

Tại buổi lễ, ông Phạm Ngọc Thanh chia sẻ: "Tâm huyết lắm, nhưng cũng lo lắm. Lo vì Đàn hương là một cây gỗ quý của thế giới, biết đến nó là 1 cơ duyên, mang được nó về là cả sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, đưa được về nhân giống và chuyển giao kỹ thuật cho bà con trồng, tạm thời chúng tôi gọi đó là thành công, thành công bước đầu. Thành công vì bản chất anh em chúng tôi không phải người trong nghề, không phải là các đại gia dư giả về tài chính, càng không phải là người nắm trong tay quyền lực sai khiến người khác. Chúng tôi chỉ có đam mê và tình yêu với với cây cỏ, với các loại cây quý và đặc biệt mong muốn phát triển, đóng góp những giá trị bền vững cho bà con, cho cộng đồng, cho đất nước".

Cây Đàn hương được đưa từ Ấn Độ về Việt Nam, tên khoa học Santalum album L, họ đàn hương (Santalaceae). Đây là cây thân gỗ cao 10-15m, với đặc tính sinh học quan trọng nhất là có rễ cái ký sinh trên cây chủ, rễ con bám chặt vào rễ cái cây chủ bằng các giác mút, hút dinh dưỡng từ cây ký chủ để sinh trưởng và phát triển nên còn gọi đàn hương là cây gỗ bán ký sinh. Người dân đang có vườn cây ăn quả các loại như cam, bưởi, vải, mít… có thể trồng xen cây đàn hương để có nguồn thu từ cả hai loại cây trồng.

Trồng xen cây đàn hương vừa không tốn đất, vừa tiện chăm sóc, đàn hương vẫn phát triển tốt, vừa góp phần bổ sung cho phân khúc rừng trồng, rừng đặc dụng, trồng rừng để bảo tồn và giúp bảo vệ môi trường.

Một số sản phẩm từ cây Đàn hương

Đàn hương có nhiều giá trị sử dụng, lõi gỗ được dùng để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng nội thất cao cấp; sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Rễ cây được nghiền ra lấy bột sử dụng nhiều trong công nghệ làm đẹp, sản xuất mỹ phẩm cao cấp, dưỡng da tự nhiên. Giác gỗ và cành nhỏ được nghiền lấy bột sử dụng trong ngành mỹ phẩm, làm đẹp. Lá cây được chế biến thành trà, nước uống cao cấp. Quả và hạt được dùng để ăn, chiết xuất tinh dầu… Sau 12 năm, mỗi cây cho khoảng 20-25kg lõi gỗ, giá bán khoảng 100 USD/kg. Như vậy mỗi cây gỗ đàn hương sẽ có giá trị phần gỗ khoảng 2.000-3.000 USD. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện nghiên cứu cây đàn hương, cây đàn hương xanh lá quanh năm, cho lượng oxy gấp hơn 6 lần cây khác, bảo vệ môi trường, chịu hạn tốt, chỉ cần một lần bón phân hữu cơ dưới hố khi trồng; cây kỵ các loại chất hóa học. 

Tính đến thời điểm hiện nay, Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm (ISAF) đang làm khá tốt vai trò của mình trong việc nghiên cứu, phát triển các vùng trồng đàn hương trên cả nước. Đến nay, ISAF đã nghiên cứu và cho ra đời các quy chuẩn: quy chuẩn nguồn gốc hạt giống, nhân giống, quy chuẩn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc. ISAF có một đội ngũ luôn lắng nghe, hỗ trợ tận tâm khách hàng trồng cây 24/7. ISAF cũng rất vinh dự là đơn vị đầu tiên và duy nhất được bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho nghiên cứu đề tài cấp bộ giai đoạn 2021 - 2025 về nhân giống và chế biến sản phẩm trà từ lá đàn hương. ISAF cùng với Công ty CP Tập đoàn Đàn hương Việt Nam đang nỗ lực ngày đêm hỗ trợ đầu ra cho bà con.

Các đại biểu thực hiện nghi thức kích hoạt thương hiệu Tập đoàn Đàn hương Việt Nam - VSG Group.

ISAF và Tập đoàn Đàn hương Việt Nam là 2 đơn vị cùng hợp tác triển khai nghiên cứu nhiều sản phẩm xung quanh hệ sinh thái Đàn hương, và bắt đầu cho ra đời những sản phẩm mà nguyên liệu được lấy từ những cây Đàn hương được trồng trên đất Việt Nam mà không phải nhập như trước đây. Các sản phẩm hiện nay được phát triển gồm: trà đàn hương, dầu hạt đàn hương.

Bên cạnh đó, ISAF và Tập đoàn Đàn hương Việt Nam cũng đã nhập những nguyên liệu mà hiện tại Việt Nam chưa có để sản xuất ra những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên và tốt cho sức khỏe con người để người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận và sử dụng. Các dòng sản phẩm này gồm: các dòng Nhang đàn hương, bột đốt để xông phòng, bột đắp mặt để hỗ trợ điều trị nám, tàn nhang…. Ngoài ra, những sản phẩm khác trong hệ sinh thái đàn hương như: đồ mỹ nghệ, trang sức, tinh dầu, xà phòng… cũng được giới thiệu để có thể thấy hết giá trị của cây Đàn hương, những giá trị về sức khỏe, tâm linh và kinh tế mà cây Đàn hương mang lại.

Ông Vũ Văn Hà - Tổng giám đốc Tập Đoàn Đàn Hương Việt Nam phát biểu về định hướng phát triển các sản phẩm từ Đàn Hương tại buổi lễ.

Thay mặt Tập đoàn Đàn Hương Việt Nam - VSG Group, ông Vũ Văn Hà - Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết: những định hướng thương hiệu mà VSG Group đặt ra là tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm từ cây Đàn hương tại Việt nam, thương mại hoá các sản phẩm Đàn hương để lo đầu ra cho người trồng. VSG Group sẽ tiếp tục hợp tác và ký hợp đồng bao tiêu với người trồng đàn hương. Tập đoàn sẽ xây dựng các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm đàn hương để xuất ra toàn cầu, cũng như các khu nghỉ dưỡng chữa lành trong rừng trồng đàn hương, góp phần chăm sóc sức khoẻ cho người dân và để mọi người có cơ hội cảm nhận được các giá trị mà đàn hương mang lại.

Theo ông Vũ Văn Hà, để làm tốt được việc này, VSG Group cần sự chung tay, hỗ trợ của tất cả các vị khách quý có mặt trong khán phòng ngày hôm nay. Chúng ta cùng nhau xây dựng một thương hiệu, một loại cây gỗ quý cho muôn đời sau. Đồng thời, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể các vị đại biểu, các vị khách quý đã dành thời gian quý báu đến tham dự sự kiện quan trọng của VSG Group và hy vọng các vị đại biểu, các vị khách quý sẽ luôn đồng hành cùng VSG Group trong thời gian tới...

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu trong nước và quốc tế

Tại chương trình, Tập Đoàn Đàn Hương Việt Nam - VSG Group đã giới thiệu các sản phẩm và tổ chức Tọa đàm Phát triển cây Đàn hương Việt Nam.

Vũ Trìu

Đăng ngày: 14/08/2023 , 07:51 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác