Quang cảnh buổi Tọa đàm
Tọa đàm được tổ chức bởi Công ty CP Đầu tư và phân phối DTj (DTJ Industial) với sự phối hợp của Liên minh công nghiệp G20, Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) và Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, PGS. TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch VASI, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế. Về phía doanh nghiệp có ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Tập đoàn BKAV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc CF Group, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT của DTJ Industial, Chủ tịch Liên minh công nghiệp G20, bà Trần Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc DTJ Industial, ông Trương Hoàng Hải, Chủ tịch Công ty TNHH Life Cuộc sống, Phó chủ tịch Liên minh công nghiệp G20 và đại diện các doanh nghiệp phát triển hạ tầng công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, các tổ chức tài chính ngân hàng, các đại biểu khách quý cùng tham dự.
Thúc đẩy CNHT - Tạo đà phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng Sông Hồng
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa bất động sản công nghiệp và CNHT trong phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Nguyễn Quốc Khánh phát biểu khai mạc
Đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, trình độ cao. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, bất động sản công nghiệp tại đây đang trở thành điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều thách thức đặt ra, việc quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự cân đối giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội được đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo sự phát triển hài hòa, hiệu quả, bền vững đòi hỏi phải có sự phối hợp chắt chẽ giữa các bên bao gồm chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức tài chính.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đổi mới, tinh gọn bộ máy, ổn định tổ chức, đơn giản thủ tục hành chính nhằm phát triển kinh tế đất nước, đồng thời Chính phủ đang có sự quan tâm đặc biệt đến phát triển công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng, Tọa đàm hôm nay mong muốn cùng các chuyên gia, doanh nghiệp hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ cùng thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy CNHT, cải thiện liên kết trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp và giải quyết các vấn đề pháp lý trong quá trình thực hiện. Sáng tỏ những vấn đề này sẽ giúp cho vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm logistics, sản xuất hàng đầu của Việt Nam. Việc xây dựng và thúc đẩy hệ sinh thái liên kết cho CNHT mong chờ sự chung tay không chỉ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ mà còn cần sự ủng hộ, hỗ trợ của cả cộng đồng.
Những góc nhìn từ các chuyên gia
Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp giá trị từ các chuyên gia trong ngành. Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch VASI nhấn mạnh vai trò của CNHT trong việc tạo nền tảng cho sản xuất công nghiệp, thúc đẩy sáng tạo và gia tăng giá trị trong nền kinh tế.
Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch VASI khẳng định vai trò quan trọng của CNHT trong sự phát triển của ngành công nghiệp cả nước |
Theo ông Tuất, ngành công nghiệp nói chung được phân ra 5 quy trình gồm: thứ nhất là công nghiệp khai khoáng, thứ 2 là ngành chế biến (gồm 2 loại: chế biến từ nông lâm nghiệp để thành sản phẩm tiêu dùng và ngành chế biến sa khoáng chế biến ra nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất); thứ 3 là công nghiệp chế tạo. Đây chính là CNHT (khái niệm này được người Nhật dùng từ năm 1956) cho sản phẩm là các chi tiết, linh kiện; Thứ 4 là lắp ráp tạo ra sản phẩm cuối cùng; thứ 5 là thương mại – hậu mãi. Như vậy có thể thấy rõ CNHT nằm ở công đoạn thứ 3 và có vai trò trung tâm của công nghiệp và công nghiệp chế tạo quyết định chất lượng của nền công nghiệp của quốc gia.
Chia sẻ thêm về đặc thù của CNHT, ông Tuất khẳng định CNHT là ngành đầu tư rủi ro rất cao. Bởi lẽ, sản phẩm của CNHT không phải là sản phẩm thị trường. Sản phẩm của ngành chủ yếu là các linh kiện, chi tiết… là nguyên liệu đầu vào của các nhà lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm thị trường và do các nhà lắp ráp đặt hàng. Ngoài ra, CNHT không chỉ phụ thuộc vào các nhà mua linh kiện mà còn đòi hỏi công nghệ kỹ thuật rất cao, đồi hỏi tay nghề rất cao và đầu tư rất lớn. Vì thế, để phát triển ngành CNHT mỗi quốc gia cần có sự nhận thức đúng vai trò quan trọng của CNHT và cần được đầu tư đúng mức.
Trước thực trạng ngành CNHT Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, ông Phan Đăng Tuất đề xuất 10 giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thông qua việc đầu tư mạnh vào CNHT, giúp tăng tính tự chủ, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng nước ngoài và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Cụ thể:
Thứ nhất, cấn nhận diện lại và truyền thông một cách bài bản về bản chất CNHT;
Thứ 2, cần có một quỹ phát triển CNHT đủ mạnh để giữ hai vai trò hỗ trợ tài chính và đầu tư mồi;
Thứ 3, phát triển hệ thống “lồng ấp”, “vườn ươm”. Ở một số nước có CNHT phát triển thì hệ thống “lồng ấp”, “vườn ươm” được đầu tư rất lớn. Ví dụ, tại một số nước như Nhật Bản, Đức… ở đó có đủ các loại máy CNC, đủ các loại chuyên gia về công nghệ, kỹ thuật và kinh doanh… Khi nhà đầu tư đến đó sẽ được tư vấn, cung cấp đủ các thông tin về lĩnh vực muốn đầu tư, hiểu rõ thị trường, sản phẩm, cách thức đầu tư, kinh doanh… từ đó có quyết định đầu tư phù hợp, hiệu quả. Việc này khuyến khích, dẫn dắt các nhà đầu tư đến với CNHT;
Thứ 4, phối hợp với các trung tâm kiểm định quốc tế để giúp các doanh nghiệp kiểm định chất lượng sản phẩm;
Thứ 5, thúc đẩy chương trình quốc gia về công nghiệp vật liệu;
Thứ 6, có chính sách để các doanh nghiệp lớn trong nước dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ đi theo;
Thứ 7, cần có các công cụ chính sách đặc thì để các doanh nghiệp FDI thân thiện và kết nối với doanh nghiệp địa phương;
Thứ 8, cần thiết có các khu CNHT với các ưu đãi để doanh nghiệp CNHT thuận lợi phát triển ;
Thứ 9, cần có một cơ quan đầu mối để phản ánh và xây dựng chính sách cho CNHT;
Thứ 10, cần xây dựng luật về CNHT.
Các đại biểu thảo luận sôi nổi
Dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong – Chủ tọa tọa đàm cũng đánh giá rằng BĐS CN và CNHT đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế tư nhân, góp phần nâng cao năng lực sản xuất nội địa và thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất tham gia tọa đàm cũng đã thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn và thách thức khi đầu tư vào các khu/ cụm công nghiệp, bao gồm thủ tục pháp lý phức tạp, chi phí hạ tầng cao và hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn.
Ông Nguyễn Văn Đính đã có phần trình bày tổng quan về xu hướng đầu tư vào BĐS CN Việt Nam. Tiếp nối, ông Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – đề xuất các giải pháp tháo gỡ thể chế, bao gồm hoàn thiện chính sách hỗ trợ, cải thiện pháp lý, đơn giản hóa thủ tục đầu tư khu công nghiệp và tăng cường ưu đãi cho CNHT.
Bà Trần Thị Thu Hiền – Tổng Giám đốc DTJ Industrial – chia sẻ về tầm quan trọng của BĐS CN như một yếu tố cốt lõi trong nền kinh tế sản xuất. Không chỉ là nơi đặt nhà máy, BĐS CN còn đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả sản xuất. Bà cũng đưa ra những nhận định về sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS CN tại vùng Đồng bằng Sông Hồng, nhờ các chính sách ưu đãi và sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông.
Bà Trần Thị Thu Hiền – Tổng Giám đốc DTJ Industrial – chia sẻ về tầm quan trọng của BĐS CN
Bà Hiền cũng phân tích về tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong phát triển CNHT. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của BĐS CN và CNHT thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế vùng. Trong đó, BĐS CN tạo nền tảng hạ tầng vững chắc cho sản xuất, thu hút vốn đầu tư và mở rộng chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các chủ dầu tư BĐS CN đầu tư xây dựng hạ tầng hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất và logistics, kết nối doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển công nghiệp địa phương, tăng trưởng kinh tế vùng, tạo việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng đô thị hóa. Bà Hiền cũng nhấn mạnh, nhiều dự án tiềm năng do DTJ Industrial xúc tiến đầu tư đã và đang tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và CNHT.
Phát triển CNHT gia tăng giá trị nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành sản xuất trong nước. Khẳng định CNHT đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển kinh tế và nâng cao chuỗi cung ứng sản xuất của từng khu vực. Các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam đều đã và đang thu hút đầu tư mạnh vào ngành này để hỗ trợ các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Foxconn, Canon, Toyota, Honda.
DTJ Industrial và Liên minh Công nghiệp G20 luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Với vai trò là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp, DTJ Industrial và Liên minh Công nghiệp G20 cam kết hỗ trợ doanh nghiệp với các giải pháp toàn diện. Cụ thể là các hoạt động:
Tư vấn địa điểm đầu tư: Hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn vị trí phù hợp tại 11 tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Hồng và mở rộng ra Phú Thọ, Bắc Giang nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Tư vấn thủ tục pháp lý: Đơn giản hóa các quy trình về thuê đất, thành lập doanh nghiệp, chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường.
Giải pháp phát triển bền vững: Hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng: Định hướng phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt, giúp doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ dễ dàng kết nối, mở rộng quy mô.
Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp, không chỉ tạo điều kiện để các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, mà còn mở ra cơ hội hợp tác chiến lược giữa doanh nghiệp và các tổ chức liên quan, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. DTJ Industrial và Liên minh Công nghiệp G20 cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, cung cấp những giải pháp tối ưu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam qua đó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Vũ Trìu