Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh: Nâng cao nhận thức, hành động hiệu quả

Đăng ngày: 19/04/2024 , 08:05 GMT+7

Sáng 17/4, tại Hà Nội, “Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” đã diễn ra với sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ ban ngành, tập đoàn, doanh nghiệp và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ những ý kiến, đóng góp nhằm tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế của Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn

“Kinh tế xanh” và mục tiêu phát triển của Việt Nam

Khái niệm về “Kinh tế xanh” lần đầu tiên được đề cập trong một báo cáo phát triển bền vững do chính phủ Anh ủy quyền vào năm 1989. Tuy nhiên, chỉ trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối những năm 2000, kinh tế xanh mới được các nước trên thế giới chú ý đến như một chiến lược phục hồi kinh tế. khai niệm Kinh tế xanh được nhiều nước, tổ chức trên thế giới nhìn nhận với nhiều định nghĩa khác nhau, được nhìn từ nhiều góc độ tiếp cận vì thế không giống nhau và không thống nhất thành một định nghĩa chung để áp dụng.

Đến năm 2011, Báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra định nghĩa được cho là định nghĩa đầy đủ và chính xác nhất về kinh tế xanh: “Là nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”. Với ý nghĩa cốt lõi là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời mục tiêu bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững. Như vậy, hiểu một cách đơn giản, nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: (i) Phát thải carbon thấp; (ii) sử dụng hiệu quả tài nguyên và (iii) bảo đảm công bằng xã hội.

Tại Việt Nam, xu thế tất yếu của kinh tế xanh trong phát triển bền vững đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, được thể hiện thông qua các chiến lược quốc gia và khung khổ pháp lý, cụ thể như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 cũng như Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 qua Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

Nghị quyết số 29–NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực.

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nhận thức rõ xu thế này, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát biểu khai mạc diễn đàn

Tại diễn đàn, trong bài phát biểu khai mạc, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhấn mạnh: kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: Phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội.

“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính... Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới gắn với các mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) đã đề ra định hướng lớn là phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, bà Tạ Thị Yên, Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng ban Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh Chuyển đổi xanh - Xu thế tất yếu trong phát triển bền vững nền kinh tế. Bà Yên khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tích cực đồng hành và hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường tăng trưởng xanh, cùng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng chung cho các dân tộc trên thế giới.

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Tuy nhiên, thế giới đang có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp và đối mặt với nhiều nguy cơ về nạn đói, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp… gây ra không ít khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên phương diện toàn cầu.

Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26),Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.  

Đi tìm những giải pháp hiệu quả

Dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, chương trình thảo luận tại Diễn đàn diễn ra sôi nổi với những chủ đề được coi là then chốt cho sự phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.

Đại biểu Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận chủ đề "Kinh tế số song hành kinh tế xanh: Cơ hội và thách thức" cho rằng “chuyển đổi xanh” và “chuyển đổi số” là hai xu thế chính định hình tương lai. Quá trình chuyển đổi xanh được thúc đẩy bởi nhu cầu đạt được các mục tiêu trung lập và bền vững về khí hậu. Quá trình chuyển đổi số là một quá trình thay đổi liên tục nhờ vào công nghệ số. Hai quá trình chuyển đổi này không diễn ra đơn lẻ mà hợp nhất, bổ trợ cho nhau. Theo ông Tuấn: Kinh tế số sẽ thúc đẩy những động lực, không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện cam kết Net-zero.

Kinh tế số sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường; Mở ra không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp, không gian vật lý hợp nhất với không gian số (còn được gọi là không gian thực - ảo); Chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, công nghiệp dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu; Cho phép tổ chức lại các nguồn lực đổi mới xuyên vùng, miền thông qua các nền tảng số; Áp dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và tiến tới mục tiêu Net-zero bởi bản chất chuyển đổi số là tạo ra 03 xu hướng chính là phi vật chất hóa, phi trung gian hóa, phi tập trung hóa.

Kinh tế số mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phân tích cực phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Đồng thời tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc. Tuy nhiên, hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó, các thải điện tử là một vấn đề không nhỏ nhất là khi công nghệ thay đổi nhanh. Vì thế, quá trình chuyển đổi số cần tính đến việc sử dụng công nghệ số, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp.

Tham gia diễn dàn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường với tham luận "Thúc đẩy tiến trình Phát triển kinh tế xanh: Thực trạng và giải pháp" cho cái nhìn tổng thể về hiện trang kinh tế xanh ở Việt Nam với những số liệu sâu về thứ hạng của Việt Nam và các nước thực hiện kinh tế xanh. Các chỉ số về môi trường, biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và đầu tư xanh đáp ứng yêu cầu ESG… Ông Thọ nhấn mạnh về những thách thức của Việt Nam khi thực hiện kinh tế xanh như: các chính sách và kế hoạch thưc hiện giữa các ngành, địa phương chưa có sự thống nhất, còn chồng chép và không nhất quán. Hệ thống tài chính xanh còn non trẻ khiến các dự án xanh gặp khó khăn trong triển khai, huy động nguồn vốn hay tiếp cận tín dụng ưu đãi. Việc thực hiện các quy định về môi trường đôi khi còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ. Bên cạnh đó, nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào các vấn đề tăng trưởng xanh và bề vững chưa cao. Việc thích ứng và áp dụng công nghệ xanh có thể bị cản trở bởi những hạn chế về công nghệ và cơ sở hạ tầng của đất nước.

Về vấn đề đổi mới công nghệ, ông Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH&CN với tham luận "Đổi mới công nghệ: Then chốt quan trọng trong phát triển kinh tế xanh". Ông Hoàng đồng quan điểm với xu hướng tất yếu về phát triển kinh tế số và kinh tế xanh và nhin nhận Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, như: Hạ tầng 5G còn hạn chế; Nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực CNTT, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp. Theo ông Hoàng, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất, là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và kinh tế xanh.

Xuyên suốt Diễn đàn, ý kiến các đại biểu đồng nhất khẳng định cần coi kinh tế số và kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và con đường để Việt Nam đột phá, hướng tới phát triển bền vững. Kinh tế số và kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào 2045. Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia để hiện thực hóa tầm nhìn. Cần có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh với mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể, đồng bộ...

Tuy nhiên chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam. Nếu không giải quyết kịp thời, tới đây những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu.

Để tiến trình xây dựng nền kinh tế xanh của đất nước đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, người dân – chủ thể chính của nền kinh tế cần đổi mới tư duy, nhận thức, đầu tư công nghệ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực canh tranh chủ động phát triển kinh tế xanh bền vững và hội nhập quốc tế./.

PV.

 

Đăng ngày: 19/04/2024 , 08:05 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác