Tham vấn doanh nghiệp về Dự thảo Bộ quy tắc kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử

Đăng ngày: 14/01/2023 , 21:17 GMT+7

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP Việt Nam) đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Bộ quy tắc hướng dẫn thực hành Kinh doanh có trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

 

Hội thảo tham vấn doanh nghiệp về Dự thảo Bộ quy tắc kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử

Nhằm khuyến khích hoạt động thương mại trên các sàn, website thương mại điện tử phát triển một cách lành mạnh, bền vững, vì người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và UNDP Việt Nam đã hợp tác thực hiện Sáng kiến Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử tại Việt Nam.

Hội thảo tham vấn nhằm ghi nhận ý kiến góp ý của các doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán hàng hóa, dịch vụ thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc các website, ứng dụng thương mại điện tử đối với Dự thảo Bộ Quy tắc hướng dẫn Thực hành kinh doanh có Trách nhiệm trong Thương mại điện tử tại Việt Nam.

Đại diện UNDP Việt Nam đã chia sẻ 3 điểm cấp thiết của Bộ quy tắc.

Thứ nhất, Bộ quy tắc (Coc) cần theo sát và thúc đẩy các nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Quyền con người của Liên Hợp Quốc (UNGPs) – cốt lõi của Kinh doanh có trách nhiệm.

Thứ hai, kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn phải hạn chế, phòng ngừa các tác động tiêu cực khác từ hoạt động kinh doanh (dù chưa đến mức vi phạm pháp luật) lên con người, môi trường và xã hội, và xa hơn nữa là tạo ra những tác động tích cực cho xã hội.

Thứ ba, sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong suốt tiến trình xây dựng, ban hành và thúc đẩy việc áp dụng Bộ quy tắc là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của Bộ quy tắc.

Dự thảo hiện tại gồm 4 phần nội dung chính bao gồm: Nguồn hàng, Vận hành, Bán hàng và Các hành vi ứng xử có liên quan.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử như đại diện từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) và các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp trên sàn, website thương mại điện tử tại Việt Nam như Tập đoàn Sea Group (Singapore), Shopee, L'Oreal, GS25, AEON, Baemin… đã trao đổi, thảo luận về nội dung của dự thảo Bộ quy tắc để phát triển bộ quy tắc một cách toàn diện và đảm bảo tính khả thi cao hơn.

Một số ý kiến đề nghị bộ quy tắc cần có nội dung đơn giản, dễ hiểu, theo sát bối cảnh thực tế để có thể thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng; cần bổ sung nội dung về việc không được sử dụng thông tin, hình ảnh của các thương hiệu, địa chỉ liên lạc của các thương hiệu để lừa dối người mua hàng; cần quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường trong kinh doanh thương mại điện tử, và đề xuất áp dụng mô hình kinh doanh thân thiện môi trường, trong đó nhấn mạnh “sử dụng kiện hàng xanh” hay “ưu tiên sử dụng phương tiện vận chuyển có mức trung hòa carbon tốt nhất”; bổ sung các hướng dẫn liên quan đến cơ chế giải quyết khiếu nại với khách hàng, người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử. Bộ quy tắc cũng cần cung cấp cụ thể hơn các tiêu chí đánh giá, nhấn mạnh đến các tiêu chí ưu tiên để khi doanh nghiệp áp dụng bộ quy tắc có thể chủ động dẫn chiếu, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp mình, cũng như giúp doanh nghiệp chuẩn bị hiệu quả cho việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

PV.

 

Đăng ngày: 14/01/2023 , 21:17 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác