VASI CEO Summit 2024: Phát huy sức mạnh hội viên vì sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Đăng ngày: 26/04/2024 , 16:23 GMT+7

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đã tổ chức hội nghị VASI CEO Summit 2024 với chủ đề: "Hành trình từ sản xuất linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh". VASI CEO Summit 2024 đã tạo cơ hội kết nối sâu rộng, mang lại tương tác tích cực cho các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ; đồng thời cung cấp các thông tin hữu ích và tạo diễn đàn chia sẻ về kiến thức, giải pháp, kinh nghiệm về ngành cho tất cả Hội viên VASI.

Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch VASI phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch VASI chia sẻ quan niệm của một nhà kinh tế học về phương diện kinh tế có hai trường phái để theo đuổi. Thứ nhất, trường phái chuẩn tắc là việc làm ăn kinh tế phải dựa vào những chuẩn mực, những quy tắc nhất định của thị trường. Thứ hai là trường phái thực chứng, là làm sao miễn có lợi nhuận. Tuy nhiên trên thực tế lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT),các doanh nghiệp CNHT cần phải tuân thủ cả hai trường phái này. Trước hết họ phải là những nhà chuẩn tắc tuyệt đối đặc biệt là trong quá trình sản xuất chế tạo. Đây là khâu cần độ chính xác cao, sản phẩm CNHT tuyệt đối không được sai sót. Còn đối với thực chứng, các doanh nghiệp CNHT hướng tới mục tiêu là tồn tại. Theo ông Tuất, cách để tồn tại lâu dài, cơ bản, bền vững của doanh nghiệp CNHT chính là chủ đề lần này: "Hành trình từ sản xuất linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh". Thực hiện hành trình này, doanh nghiệp CNHT mới có cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với điều kiện cần đó là các doanh nghiệp phải chế tạo được các cụm linh kiện chi tiết hoàn chỉnh mới có nhiều cơ hội tham gia thị trường chủ động. Các doanh nghiệp thành viên VASI đang hoạt động trên 4 lĩnh vực của ngành CNHT gồm sản phẩm cơ khí, linh kiện điện tử, phay tiện, nhựa và hóa chất. Hiện nay, doanh nghiệp hội viên VASI cung cấp các chi tiết, linh kiện cho các tập đoàn, các nhà lắp ráp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu chỉ với các chi tiết, linh kiện thì khó khăn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và cần phải có tối thiểu các cụm chi tiết, các sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm cuối cùng. TS. PGS Phan Đăng Tuất nhấn mạnh, sứ mệnh của VASI đặt ra là đi tìm cơ hội để tạo ra sản phẩm cuối cùng bằng sự kết nối, gắn kết các hội viên chúng ta chắt chẽ hơn.

Quang cảnh Hội nghị

Chia sẻ về VASI, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam cho cái nhìn tổng quan về VASI. Cơ cấu tổ chức của VASI có Ban chấp hành, Ban kiểm tra, Ban thường trực, Văn phòng truyền thông, Văn phòng phía Nam, 4 ban chuyên ngành (Ban cơ khí - tự động hóa, Ban điện - điện tử, Ban khuôn nhựa - cao su, Ban vật liệu, in ấn, bao bì và khác),5 ban chức năng (Ban xúc tiến và kết nối, Ban nghiên cứu và dữ liệu, Ban đào tạo và tư vấn, Ban hỗ trợ phát triển công nghệ, kỹ thuật và Ban hạ tầng công nghiệp) và Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại. Đến nay, số lượng  hội viên của VASI có 262 doanh nghiệp đóng phí và gấp 5 lần so với năm đầu thành lập (năm 2017). Quy mô thị trường của các doanh nghiệp này đạt khoảng 1,3 tỷ USD chỉ tính cho các doanh nghiệp sản xuất, không tính các doanh nghiệp thương mại. Theo số liệu thống kê, số lao động trong các doanh nghiệp này có khoảng 40.000 lao động, doanh thu trung bình hàng năm của doanh nghiệp vào khoảng gần 5 triệu USD. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế với mức doanh số như vậy doanh nghiệp có thể tham gia hoạt động xuất khẩu sang cả các thị trường như EU.

Năm 2023, một hoạt động quan trọng của VASI đó là hội chợ, triển lãm. Trong năm qua VASI đã tổ chức cho các hội viên tham gia 9 triển lãm chính với hơn 200 lượt hội viên tham gia và phần kinh phí hỗ trợ gian hàng từ 15-100%. Hoạt động đào tạo, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm vẫn còn ít với 6 khóa đào tạo online. Công tác tư vấn, hỗ trợ cấp chứng chỉ IATF 16949 được tiếp tục thực hiện nhiều năm qua với 8 doanh nghiệp. Mạng lưới chuyển đổi LEAN thực hiện với 6 doanh nghiệp sắp tốt nghiệp với kết quả khá thành công. VASI kết hợp với Toyota Việt Nam thực hiện chương trình cải tiến Onsite đang tiến hành với 5 doanh nghiệp, kết quả rất khả quan. Hoạt động B2B và giao lưu hội viên được triển khai tốt do VASI có các mối quan hệ tốt với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và thương vụ nước ngoài, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Các đoàn khách, các nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài được thông tin với VASI qua đó có nhiều khách hàng, nhiều đơn hàng được kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Trong tháng 3/2024, VASI đã tiếp 4 đoàn khách nước ngoài tại văn phòng VASI. Trong thời gian gần đây, nhiều đoàn khách đến từ các nước lớn như Hoa Kỳ, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp… Năm 2023, nhiều hoạt động B2B được thực hiện như: B2B từ Thương Vụ Thụy Điển; B2B từ Thương vụ Pháp; B2B với Mitsubishi Electric Việt Nam tại Đà Nẵng; CEO Summit 1 tại Hà Nội; CEO Summit 2 tại TP Hồ Chí Minh; Chia sẻ thông tin đơn hàng, Kết nối online qua Website, email, nhóm hội viên.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo đuổi các mục tiêu này, Ban điều phối dự án đã phải hoạt động chăm chỉ nhất, dành nhiều thời gian, công sức để mang lại hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp hội viên. Ban đã phải Họp online hàng tuần, Họp offline vào thứ 4 đầu tháng tại công ty thành viên theo format riêng, Giúp đỡ nhau phát triển kinh doanh tự nguyện, Chia sẻ ý tưởng, chiến lược, quản trị doanh nghiệp giúp nhau hoàn thiện hơn, Cùng nhau nghiên cứu các dự án khả thi để sản xuất cụm linh kiện và Mở rộng, chia sẻ các mối quan hệ đối tác 1-1 của các thành viên. Kết quả cho thấy, nếu năm 2022, doanh thu chia sẻ giữa các thành viên đạt 5,4 tỷ đồng thì năm 2023 đạt 11 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp hội viên là Vân Long và JK đã phối hợp thành công để làm cụm chi tiết nhựa và dập thép cung cấp cho đối tác nước ngoài, cạnh tranh được với đối tác Đài Loan. Năm 2024, kế hoạch đề ra phấn đấu thực hiện doanh thu chia sẻ giữa các thành viên là 25 tỷ đồng và thực hiện chương trình mua chung thép, tổ chức đi thăm nhà cung cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp CNHT trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Trong kế hoạch năm 2024, về hội chợ, triển lãm, VASI tham gia 11 triển lãm trong nước và 6 triển lãm nước ngoài. Hoạt động đào tạo, tư vấn sẽ tiếp tục đào tạo với 5 khóa Đào tạo online căn bản, ESG (GIZ),ISO 50001 (VCCI) và mong muốn chuyển dần các khóa này về nền tảng e-learning và xin các dự án quốc tế hỗ trợ để thực hiện trên mạng internet khi đó công đào tạo mới không phải tổ chức các lớp omline nữa. Các kiến thức cơ bản sẽ được cập nhật trên mạng để các doanh nghiệp tham khảo. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến kiểm toán năng lượng, các yêu cầu của khách hàng phải đáp ứng được, cung cấp được các con số qua đó theo đuổi được trong cuộc chơi toàn cầu. Các chương trình cải tiến, chuyển đổi lean với các chuyên gia của Toyota tiếp tục được triển khai nhưng cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nhiều hơn, cam kết nhiều hơn.

Đặc biệt bà Trương Thị Chí Bình nhấn mạnh, năm nay các doanh nghiệp cần phải có sự chia sẻ nhiều hơn các thông tin. Đây là vấn đề mà thời gian qua các doanh nghiệp hội viên chưa làm tốt và điều này rất cần thiết để chúng ta cùng nhau tiến bộ, cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn. Ví dụ về điều này, bài học từ các hội, hiệp hội của người Hoa rất mạnh bởi họ có sự tin tưởng nhau, chia sẻ với nhau để cùng phát triển và để bảo vệ nhau, đoàn kết để vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, mục tiêu hướng tới cà các doanh nghiệp CNHT Việt Nam phải tiến tới thực hiện sản xuất được các cụm linh kiện/OEM/OBM. Sản xuất được OEM/OBM sẽ đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới để hướng tới sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh mặc dù sản phẩm OBM làm không mang thương hiệu của doanh nghiệp.

Hoạt động B2B và giao lưu hội viên được luôn được VASI chú trọng thực hiện thường xuyên, đặc biệt trên website của VASI xây dựng nền tảng online, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, kết nối khách hàng. Hoạt động gian hàng xúc tiến thương mại được cân nhắc thực hiện online hay offline để nâng cao hiệu quả kết nối. Về xác nhận các dự án CNHT, VASI tiếp tục nhận đăng ký của các doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện xác nhận với Bộ Công Thương. Ngoài ra các hoạt động khác như thay mặt các doanh nghiệp kiến nghị các chính sách với Chính phủ, các hoạt động thể thao, thiện nguyện của VASI vì cộng đồng và dữ liệu sẽ được đẩy mạnh hơn. Với sự chuẩn bị kỹ càng hơn, sự sẵn sàng đồng hành của các doanh nghiệp, bà Bình hy vọng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn và đạt được những thành công mới.

Tại sự kiện VASI CEO Summit 2024, hội viên của VASI được chuyên gia tư vấn đến từ công ty Toyota Việt Nam chia sẻ về hành trình từ linh kiện tới sản phẩm, hiện trạng của doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp theo phương thức Toyota (TPS). Đây là hành trình từ nguyên vật liệu đến sản phẩm được rất nhiều công ty áp dụng. Với TPS, hành trình này được ví như một dòng chảy từ kho đến dây chuyền sản xuất và xuất hàng, Với PTS, thời gian để từ linh kiện ra đến sản phẩm cuối cùng sao cho tiết kiệm nhất có thể. Doanh nghiệp phải bố trí sao cho dòng chảy, quy trình sản xuất sao cho thuận tiện nhất và liên tục từ đó tiết kiện thời gian, giảm chi phí mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ một số hiệp hội và doanh nghiệp khác tham dự hội nghị cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quá trình phát triển sản phẩm cũng như đánh giá đúng tiềm năng thị trường.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Với vai trò kết nối, liên kết hội viên, phát huy sức mạnh tập thể, toàn thể Ban chấp hành VASI và các hội viên đã luôn nỗ lực không ngừng, tâm huyết và trách nhiệm với cam kết cùng quyết tâm và phấn đấu vì sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam và kỳ vọng năm 2024 sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Vũ Trìu

(Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số 3-4/2024)

Đăng ngày: 26/04/2024 , 16:23 GMT+7

Tin liên quan