Đẩy mạnh liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Đăng ngày: 03/08/2023 , 16:23 GMT+7

Ngày 3/8/2023, tại Hà Nội, Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phươngđược tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp, những cơ hội và phương thức kết nối giữa các vùng kinh tế nhằm phát huy sức mạnh, những lợi thế của mỗi địa phương, vùng miền qua đó tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Liên kết vùng trở nên vững chắc sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, triển vọng cho tăng trưởng và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đương đầu với những thách thức trong tương lai.

Quang cảnh hội thảo

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành: Liên minh HTX Việt Nam, Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT),Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và 200 đại diện của các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% so với cùng kỳ (từ mức 3,7% trong nửa đầu năm) trong nửa cuối năm nay. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế đề ra và phát triển bền vững, việc liên kết vùng trong phát triển kinh tế có vai trò quan trọng nhằm phát huy thế mạnh các địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng sẽ giúp tạo thêm động lực cho phát triển vùng cũng như kinh tế ở từng địa phương.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện, cụ thể hóa các định hướng, ưu tiên, chính sách thúc đẩy liên kết vùng và hoàn thiện thể chế liên kết vùng cho cả nước nói chung và cho từng vùng kinh tế-xã hội. Trong năm 2022, trên cơ sở tổng kết các Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết riêng về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho 6 vùng kinh tế-xã hội trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2022 về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ra các quyết định thành lập 6 Hội đồng điều phối vùng cho cả 6 vùng kinh tế - xã hội. Các chủ trương, chính sách và kể cả thể chế điều phối phát triển ở từng vùng kinh tế-xã hội đã được khẩn trương hoàn thiện, hướng tới hiệu quả thực chất và đáp ứng yêu cầu tận dụng lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động liên kết vùng trong thời gian qua đã có những tác động tốt trên một số khía cạnh, đó là: (i) Khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; (ii) Góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng; (iii) Tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước; (iv) Giải quyết hài hòa hơn các mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội…

Các đại biểu tham dự hội thảo

Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Các mô hình liên kết đã tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế.

Đứng ở góc nhìn của kinh tế tập thể, với quy mô tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 HTX, 133 Liên hiệp HTX, và 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 THT nông nghiệp, thì việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

Tuy nhiên, liên kết vùng dù là vấn đề đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu các hợp tác đa phương.

Đưa ra các giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho địa phương, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã đề xuất 8 giải pháp gồm: 1) Thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về liên kết vùng bằng các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý trong việc triển khai thực hiện; 2) Thực thi Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các định hướng và giải pháp liên quan đến việc đẩy mạnh liên kết vùng; 3) Thực thi xây dựng và ban hành các quy hoạch trong đó có quan tâm đến liên kết vùng để phát triển thương mại nội địa. Lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; 4) Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 08/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, với những giải pháp mà Đề án đã đưa ra; 5) Cụ thể hóa hình thức, phương thức triển khai hợp tác liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa các tỉnh, thành phố; 6) Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh; 7) Có chính sách hỗ trợ các đơn vị, HTX để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối để biết đến, ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa, hỗ trợ đưa hàng kênh phân phối nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa lợi thế sang thị trường các nước thông qua một số kênh phân phối nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; 8) Đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, hướng dẫn các đơn vị sản xuất cung ứng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.

Các chuyên gia giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu tại Phiên thảo luận mở

Tại diễn đàn, một loạt những vấn đề và câu hỏi đặt ra như về kết nối thị trường cho các sản phẩm đặc trưng vùng miền, liên kết tạo vùng nguyên liệu… được các đại biểu đại diện doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trao đổi, chia sẻ và kết nối trực tiếp thị trường trong nước và xuất khẩu với những thông tin hữu ích. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế các địa phương nói riêng. Qua đó góp phần tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế ở các địa phương trong thời gian tới.

PV.

 

Đăng ngày: 03/08/2023 , 16:23 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác