Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững vàng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu

Đăng ngày: 11/04/2024 , 13:41 GMT+7

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2024, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024. ADB đã giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.

Kỳ vọng vào sự tăng trưởng vững chắc

Nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt được thực hiện để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023. 

Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, tiêu dùng trong nước phục hồi, kích thích tài khóa được tiếp tục với chương trình đầu tư công đáng kể được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, chia sẻ: “Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.”

Đánh giá về tình hình kinh tế khu vực và Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng, Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam chia sẻ: kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2023 có sự phục hồi nhất định. Tăng trưởng của nửa đầu năm 2023 đạt 5,1% toàn khu vực và đến cuối năm đạt 5,3% thể hiện sự phục hồi nhất định. Sự tăng trưởng này chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa của khu vực. Các hoạt động xuất khẩu dần phục hồi vào thời điểm cuối năm, trong đó Hà Quốc và Đài Loan là 2 quốc gia có sự chuyển biến rõ rệt. Như vậy tiêu dùng nội địa và sự phục hồi xuất khẩu là 2 động lực chính của nền kinh tế khu vực trong năm qua.

Triển vọng kinh tế thế giới, theo đánh giá của ABB, tăng trưởng năm 2023 là 1,7% và xu thế này tiếp tục giảm trong năm 2024 với mức 1,4% và dự báo tăng trưởng trở lại vào năm 2025 ở mức 1,5%. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu của các nước ngoài khu vực không mấy khả quan. Trong năm 2023, kinh tế thế giới khó khăn nhưng mặt bằng lãi suất tại các nước thu nhập cao ở mức cao do lạm phát tại các nước này ở mức cao, trong thời gian gần đây tình hình đang có xu hướng giảm dần trong những năm tới sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế khu vực.

Sự biến động về giá cả về một số mặt hàng chính trên thế giới tuy vẫn còn nhưng giá dầu và lúa mỳ trên thị trường thế giới đã tương đối ổn định góp phần giả áp lực về lạm phát của các nèn kinh tế.

Theo ông Hùng, kinh tế Việt Nam năm 2023, tăng trường GDP sau thời kỳ Covid-19 vẫn đạt tăng trưởng dương, trong đó năm 2022 là năm kinh tế Việt Nam phục hồi rất tốt với tăng trường đạt 8%. Tuy nhiên năm 2023 lại là năm khó khăn hơn với mức tăng là 5%. Tuy nhiên đây cũng được xem là thành tích tốt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong đó, khu vực dịch vụ và công nghiệp tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng tuy nhiên đây cũng chính là 2 lĩnh vực làm giảm sự tăng trưởng khi mà sản xuất công nghiệp chậm lại, thương mại giảm. Mặt tích cực là đầu tư tăng lên, đặcbiệt là đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, chính sách tiền tệ được điều chỉnh kịp thời với các chính sách điều chỉnh lãi suất phù hợp, hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và 2025. Động lực hỗ trợ cho tăng trưởng sẽ vẫn là khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 đên thời điểm cuối quý I/2024. Đây là dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và duy trì đà phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sẽ là động lực chính thúc đẩy tưng trưởng kinh tế tốt hơn.

Tuy nhiên, đánh giá về những rủi ro trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng những thách thức từ môi trường bên ngoài ngày càng lớn. Kinh tế thế giới được dự báo vẫn tiếp tục suy giảm sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của khu vực và Việt Nam. Đối với Việt Nam, hiện là nước đang phát triển, điều kiện còn nhiều khó khăn, môi trường đầu tư kinh doanh, thị trường tài chính, thị trường vốn chưa thực sự phát triển… làm gia tăng rủi ro về tính dễ đổ vỡ của cấu trúc nền kinh tế. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu như El Nino và các hiện tượng thời tiết khác có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp… sẽ là những rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước.

Dự báo và giải pháp cho năm 2024

Nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang tiếp diễn, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết những yếu kém về cơ cấu trong nước như sự phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, mối liên kết lỏng lẻo giữa các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu và phần còn lại của nền kinh tế, thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, cũng như các rào cản pháp lý phức tạp đối với doanh nghiệp. 

Đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi, nhưng vẫn cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định giảm bớt rào cản cho việc thực hiện dự án hiệu quả.

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. ADB được thành lập năm 1966 và  thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

PV.

 

Đăng ngày: 11/04/2024 , 13:41 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác