Nhà máy điện này sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu với việc bù trừ khoảng 215.000 tấn các-bon đi-ô-xít mỗi năm.
Gói tài trợ dự án sáng tạo trị giá 107 triệu USD do ADB thu xếp với vai trò Bên chủ trì thu xếp và bảo lãnh chính thức, bao gồm 25 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 13 triệu USD từ Công ty TNHH Tập đoàn Tín chấp Hồng Kông (Hong Kong Mortgage Corporation Limited), 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui; 18 triệu USD từ Ngân hàng ING; và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United.
Ông Jackie B. Surtani, Trưởng Ban Tài chính Cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB nhận định: “Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng ngay cả trong đại dịch, và điều hết sức quan trọng là cần đáp ứng nhu cầu này bằng nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Dự án này là bước đi quan trọng góp phần nâng cao khả năng chống chịu và công cuộc phục hồi đang diễn ra của Việt Nam nhờ việc mở rộng hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo của quốc gia và đóng góp cho các mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.
ADB cũng sẽ quản lý một khoản viện trợ trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu do Ngân hàng Goldman Sachs và tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies tài trợ. Khoản viện trợ này sẽ được sử dụng cho các sáng kiến liên quan tới các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường và xã hội, như giảm tác động của bóng tối đối với các cư dân tại khu vực dự án và bảo tồn môi trường sống hoang dã.
Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Điện gió BIM, ông Đoàn Quốc Huy, chia sẻ: “Chúng tôi nỗ lực làm việc cùng với ADB và các bên cho vay khác để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong vấn đề môi trường, xã hội và quản trị. Thành công của giao dịch này giúp hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Chúng tôi tiếp tục theo đuổi sứ mệnh hướng tới phát triển bền vững năng lượng sạch ở Việt Nam”.
PV.