Khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không ngừng được củng cố, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Đăng ngày: 17/11/2024 , 11:30 GMT+7

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không ngừng được củng cố ngày càng vững chắc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Lễ khai mạc Tuần "Đại đoàn kết dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2024 - Ảnh: VGP

Tối 16/11, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội),Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã dự Lễ khai mạc Tuần "Đại đoàn kết dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2024 và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII-năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước với biết bao thăng trầm, bản sắc dân tộc, truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam đã không ngừng được vun đắp, hun đúc qua các thế hệ với giá trị cốt lõi là tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc.

"Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm chăm lo sự nghiệp phát triển văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng việc ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, đường lối, chính sách thiết thực, hiệu quả", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói. Nhờ đó, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Đến nay, Việt Nam đã có hàng nghìn di sản văn hóa cấp quốc gia, 134 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa vật thể và 15 di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt tiêu biểu được UNESCO công nhận, ghi danh là Di sản thế giới.

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, sự kiện là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam - Ảnh: VGP

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Đặc biệt, truyền thống tốt đẹp "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân" của dân tộc càng được phát huy mạnh mẽ, thể hiện rõ nét trong những lúc khó khăn, thử thách như dịch COVID-19 hay trong phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vừa qua.

Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được biểu dương, lan toả những giá trị tốt đẹp vào đời sống xã hội.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao quà cho đồng bào các dân tộc đang tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng và các đoàn về tham gia Liên hoan - Ảnh: VGP

Phát triển "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc anh em

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam; biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ đồng bào các dân tộc trong cả nước; thiết thực chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Đồng thời, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ những giá trị nhân văn, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái và tình yêu quê hương đất nước của dân tộc Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, sự kiện quan trọng này được tổ chức rất thành công tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam-nơi tái hiện, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam.

"Chúng ta vui mừng nhận thấy, kể từ khi chính thức khai trương, mở cửa, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, ngày càng phát triển trong vận hành khai thác, kiến trúc cảnh quan, từng bước trở thành "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc anh em", Phó Thủ tướng đánh giá.

Phó Thủ tướng nêu rõ, tinh thần đại đoàn kết là truyền thống và là di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực quan trọng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Những năm qua, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân; không ngừng xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ - Ảnh: VGP

Trong giai đoạn phát triển mới, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững".

"Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, gắn bó và bề dày lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tiếp tục được xây dựng, giữ gìn và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ không ngừng được củng cố ngày càng vững chắc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Phó Thủ tướng khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024 với phương châm "Để chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình sẽ mang đến một bầu không khí vui tươi, đoàn kết, với nhiều hoạt động như: tổ chức trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, không gian văn hóa, tái hiện các lễ hội độc đáo của các dân tộc, các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc, trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao truyền thống. Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, trình diễn nghệ thuật, nghề truyền thống, triển lãm văn hóa. Đặc biệt là việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái - một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại-với hơn 400 nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát then, đàn tính; trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, trình diễn nghề dệt, nghề chế tác đàn tính, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc của các địa phương.

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta sẽ là điểm tựa vững chắc để Việt Nam vững tin bước vào "Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" như thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trao quà cho đồng bào các dân tộc đang tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng và các đoàn về tham gia Liên hoan.

Theo baochinhphu.vn

 

Đăng ngày: 17/11/2024 , 11:30 GMT+7

Tin liên quan