Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào và các chuyên gia của WB trao đổi thông tin về tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh: VGP/HT
Các chuyên gia WB trên cơ sở phân tích động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam đã đưa ra nhận định: tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 được thúc đẩy bởi một số yếu tố quan trọng, trong đó phải kể đến sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử tăng mạnh, đặc biệt là máy tính và linh kiện điện tử. Các mặt hàng này đóng vai trò then chốt trong sự phục hồi của ngành chế biến, chế tạo, giúp sản lượng công nghiệp tăng cao so với năm trước.
Bên cạnh xuất khẩu, tiêu dùng nội địa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng. Nhờ mức lương tăng, thu nhập của người dân được cải thiện nên chi tiêu tiêu dùng cũng tăng đáng kể. Dịch vụ du lịch và khách sạn cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm trước.
Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia và Lào, nhấn mạnh: nền kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, lên đến 7,1% trong năm 2024, vượt qua hầu hết các quốc gia cùng khu vực. Sự phục hồi mạnh mẽ này chủ yếu nhờ vào xuất khẩu công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm điện tử giúp Việt Nam tận dụng tối đa nhu cầu ngày càng tăng của thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia WB cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức, trong đó đáng chú ý là vấn đề lạm phát. Trong nửa đầu năm 2024, lạm phát gia tăng đã tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm chậm lại đà tăng trưởng của một số ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Bước sang năm 2025, WB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trước khi ổn định ở mức 6,5% vào năm 2026. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu dự kiến sẽ chậm lại do nhu cầu từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc có xu hướng giảm. Điều này có thể gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế trong nước.
WB cho rằng, nguyên nhân là những bất ổn chính đối với triển vọng tăng trưởng bao gồm tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến và gián đoạn thương mại, đặc biệt là giữa các đối tác thương mại lớn của Việt Nam./.
PV.