"Khoản 3, Điều 15 của Dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT là không thực tế"

Đăng ngày: 15/11/2024 , 14:33 GMT+7

Trao đổi với PetroTimes, ĐBQH Trịnh Xuân An, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho rằng, qua nghiên cứu và tham khảo từ các chuyên gia kinh tế, có thể thấy, nếu chiếu theo quy định của khoản 3, Điều 15, doanh nghiệp nào chỉ sản xuất một mặt hàng là phân bón mới được khấu trừ thuế, còn sản xuất 2,3,4 mặt hàng (trong đó có phân bón) thì không được khấu trừ. Điều này là không thực tế.

Trong dự án sửa đổi Luật Thuế GTGT được nêu trong Tờ trình của Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ tại khoản 3, Điều 15 của Dự thảo - Các trường hợp hoàn thuế: "... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%, trừ hoạt động thanh lý tài sản nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng liên tục hoặc 4 quý liên tiếp thì được hoàn thuế GTGT".

Với quy định này, nếu doanh nghiệp chỉ có 01 loại thuế suất thuế GTGT là 5% thì mới được hoàn thuế, còn những doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên không được hoàn thuế. Điều này là không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên.

ĐBQH Trịnh Xuân An, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội.

Do đó ông An đề xuất bỏ từ "chỉ" trong Khoản 3 Điều 15. "Ý kiến của tôi là như thế. Tôi rất mong được các ĐBQH và chuyên gia kinh tế, chuyên gia về thuế làm rõ hơn"- ông An nhấn mạnh.

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa).

Chung quan điểm trên, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, cần phải xem xét, điều chỉnh khoản 3, Điều 15 của dự thảo Luật.

"Về bản chất, hoàn thuế GTGT trong trường hợp nêu tại khoản 3, Điều 15 dự thảo Luật là hoàn thuế cho cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5%. Trong khi đó, thuế GTGT đầu vào của chi phí có mặt hàng chịu thuế suất 10% nên lũy kế thuế GTGT liên tục có khấu trừ. Việc khống chế 5% để đảm bảo bản chất là không giải quyết hoàn thuế cho hàng tồn kho. Quy định này tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất khác nhau. Do đó, tôi đề nghị xem xét, sửa đổi lại để đảm bảo số thuế GTGT được hoàn không vượt quá 5% doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 5%, trừ hoạt động thanh lý tài sản" - đại biểu nêu rõ.

    

ĐBQH Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cũng nêu ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn đối với quy định tại khoản 3, Điều 15 dự thảo Luật về hoàn thuế GTGT.

"Theo quy định, trường hợp các đơn vị sản xuất có cả hàng hóa chịu thuế suất 5% và hàng hóa khác chịu thuế suất 10%, thuế GTGT nguyên liệu đầu vào đều thuế suất 10%, doanh thu chủ yếu từ các mặt hàng chịu thuế suất 5%, doanh nghiệp sẽ không thể khấu trừ hết các số thuế GTGT nhiên liệu đầu vào 10% hằng năm và không được hoàn thuế. Theo đó, số thuế GTGT được khấu trừ tăng dần qua các năm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp..."- Đại biểu Ngọc nhận định.

PV.

Đăng ngày: 15/11/2024 , 14:33 GMT+7

Tin liên quan