Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

Đăng ngày: 26/09/2024 , 09:12 GMT+7

Sáng ngày 25/9/2024, tại Hà Nội, Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức. 

 

Với mục tiêu góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Diễn đàn Khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” là một trong những hoạt động khoa học được tổ chức thường niên của Viện Kinh tế Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ- TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam, đồng thời cập nhật những diễn biến chính sách mới trên thế giới.

Toàn cảnh diễn đàn

Sáng ngày 25/9/2024, tại Hà Nội, Diễn đàn được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức.

PGS.TS. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn đã diễn ra với sự tham dự của hơn 250 khách mời là lãnh đạo, đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Tạp Chí Cộng sản; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các trường đại học hàng đầu của Việt Nam.

Phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu là những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Tăng trưởng xanh và KTTH là những nội dung quan trọng và là cơ sở để thực hiện các mục tiêu đó. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH sắp được Chính phủ thông qua, để góp phần nâng cao nhận thức, phổ biến chính sách cũng như nhận diện rõ hơn những thách thức sắp tới trong quá trình thực hiện kế hoạch này, Viện Kinh tế Việt Nam được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”.

Đoàn chủ tịch điều hành diễn đàn

KTTH ở Việt Nam: Quan trọng và cấp thiết

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết, KTTH là một mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý "đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác"; hoạt động trên ba nguyên tắc: bảo tồn vốn tự nhiên, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả của hệ thống. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đây là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ không chỉ giảm khai thác nguyên liệu mà còn kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu chất thải, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. KTTH hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp khép kín, nhờ đó, giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất, nhằm tối thiểu hóa tài nguyên đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường vì thế mà giảm đi đáng kể.

Xác định rõ vai trò quan trọng của KTTH trong thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước coi KTTH là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Trong đó, phát triển KTTH như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định 687/QĐ-TTg về phát triển KTTH. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2030.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và KTTH đang là xu hướng quan trọng trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam. Việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện KTTH rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Diễn đàn nhằm tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách để thúc đẩy KTTH, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xanh hóa tại Việt Nam trong điều kiện mới.

Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, Thượng tướng, Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, KTTH được xây dựng trên các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và sử dụng bền vững tài nguyên, là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay. Trong khi nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn về nhận thức và thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Dù vậy, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở một số lĩnh vực như mô hình sản xuất hệ thống nông nghiệp tổng hợp và phát triển năng lượng tái tạo trong công nghiệp.

Theo Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, xu hướng chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính “mang đi” lãng phí hiện tại sang mô hình KTTH, nhấn mạnh sự thịnh vượng mà không lãng phí thông qua tăng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng vật liệu tốt hơn và tái chế nhiều hơn là rất cấp thiết. Việc chuyển đổi sang nền KTTH được ước tính sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên. Việt Nam cũng nằm trong xu thế sản xuất xanh, do đó cần tận dụng cơ hội biến KTTH trong điều kiện mới để đạt mục tiêu tăng trưởng. Một sự thay thế cho tư duy: khai thác – sản xuất – sử dụng – vứt bỏ bằng mô hình vong tuần hoàn khép kín: khai thác – sản xuất – sử dụng – tái sử dụng – tái chế. Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh các nguyên tắc của nền KTTH là giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm thiểu chất thải: (1) Chất thải bằng 0; (2) Tái chế kỹ thuật hoặc tái chế sinh học; (3) Thiết kế cho tương lai; (4) Năng lượng bền vững; (5) Người tiêu dùng được xem như người sử dụng; (6) Các hệ thống tái tạo thiên nhiên; (7) Bảo tồn những gì đã tạo ra.

Đối với Việt Nam, đi lên từ một nền kinh tế lạc hậu nhưng đã vươn lên Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại Top 20 trên thế giới như hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Vì thế, theo Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, mục tiêu cần đạt được tại Diễn đàn lần này: Một là, nghiên cứu phân tích căn cứ từ lý luận, thực tiễn mô hình KTTH của ngành, địa phương, đơn vị với phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước từ đó đề xuất các cơ chế chính sách phát triển KTTH của Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; Hai là, Từ các bài học thành công và chưa thành công của một số nước trên thế giới để đưa ra những cơ chế chính sách về KTTH và mô hình xây dựng, phát triển KTTH phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam; Ba là, vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng để chủ động thực hiện KTTH tại Việt Nam trong giai đoạn mới hết sức quan trọng và cấp bách.

Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành  mong muốn, diễn đàn sẽ kết nối, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, học tập kinh nghiệm từ các mô hình phát triển bền vững của các nước tiên tiến, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, pháp luật vì mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là các thành tựu về khoa học, công nghệ, kinh tế số gắn liền với nhu cầu thực tiễn nhằm triển khai hiệu quả mô hình KTTH; nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và vận hành phát triển kinh tế bền vững.

Tìm giải pháp hiện thực hóa KTTH ở Việt Nam

Tại diễn đàn, các bài tham luận của chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành, lĩnh vực và trong tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính, nhằm thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam trong điều kiện mới. Các đại biểu còn tập trung thảo luận những vấn đề còn hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hóa các chiến lược, kế hoạch liên quan đến KTTH cũng như nhận diện và xác định đúng những nguyên nhân hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay; kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, thách thức và tận dụng những lợi thế do bối cảnh mới mang lại để có những chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất trong phát triển KTTH ở Việt Nam ở cấp độ chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình.

Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động Quốc gia về KTTH ở Việt Nam, TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, KTTH được quốc tế đồng thuận là giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã tích cực lồng ghép KTTH vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ. Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện KTTH đến năm 2030 và xa hơn.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất tập trung vào các ngành như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng. Các chính sách cần thử nghiệm bao gồm chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; tín dụng xanh; phân loại xanh; khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, cùng với các chính sách đất đai phù hợp để hỗ trợ phát triển KTTH.

Ban Tổ chức Diễn đàn đã nhận được hơn 20 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp. Các bài viết tập trung vào những vấn đề mang tính trọng tâm, then chốt như: Kinh nghiệm thực hiện KTTH và giảm phát thải ở một số quốc gia trên thế giới; thực trạng nền KTTH ở Việt Nam, tập trung vào tuyến vấn đề: thể chế, chính sách về KTTH; thực trạng triển khai mô hình KTTH ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình và vấn đề khơi thông và huy động nguồn lực tài chính cho KTTH, phát triển thị trường các-bon, đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng theo hướng tuần hoàn và phát triển các nguồn năng lượng mới; các rào cản, điểm nghẽn của việc thực hiện KTTH vừa qua; những sáng kiến, những điển hình về mô hình khu công nghiệp sinh thái, mô hình KTTH ở khu vực doanh nghiệp...

Phát biểu bế mạc diễn đàn, GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, Nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội đã tóm tắt các kết quả trình bày, thảo luận tại diễn đàn. GS.TS. Mai Trọng Nhuận cho biết, các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các nội dung được thảo luận tại diễn đàn sẽ được Ban tổ chức cụ thể hóa thành báo cáo chắt lọc, kiến nghị để gửi đến các cơ quan hữu quan.

PV.

(Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại - Số 9/2024)

Đăng ngày: 26/09/2024 , 09:12 GMT+7

Tin liên quan