Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng 3,63% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 3,07%. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối tương đối ổn định, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đến ngày 20/1, huy động vốn giảm 0,43%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,08% so với cuối năm 2024.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 1/2025 ước đạt 275,9 nghìn tỷ đồng, đạt 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tổng chi NSNN ước đạt 134,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% dự toán và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%. Hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 4,3%, nhập khẩu giảm 2,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 tăng 0,6% so với cùng kỳ do có số ngày làm việc ít hơn năm trước (tháng Tết năm 2024 giảm 6,8%). Khu vực dịch vụ tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, thách thức cần ứng phó. Đó là sức ép điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, lãi suất lớn; cạnh tranh chiến lược gay gắt; tác động, ảnh hưởng của các chính sách của các nền kinh tế lớn; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét; tăng trưởng trong một số lĩnh vực có lúc, có nơi chưa bền vững; hoạt động sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn; đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn…Do vậy, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với khí thế mới, xung lực mới ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2025.
Về xuất khẩu, thúc đẩy thương mại hài hòa, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết, các thị trường mới, tiềm năng.
Về tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như: Dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí…
Thực hiện tốt các biện pháp tăng trưởng tín dụng (phấn đấu trên 16%),hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro cao; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay./.
PV.