Việt Nam xác định phát triển công nghiệp bán dẫn là chiến lược phát triển quốc gia

Đăng ngày: 17/01/2025 , 09:58 GMT+7
Hội thảo “Công nghiệp bán dẫn Việt Nam C=SET+1 - Động lực và nền tảng phát triển đất nước” tổ chức ngày 15/1 vừa qua đã xác định: phát triển ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là phát triển một ngành kinh tế mà là chiến lược phát triển quốc gia, lấy công nghệ số làm nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.

Ảnh minh họa

Với định hướng và vai trò của ngành bán dẫn, Việt Nam đã chính thức ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Theo đó, đặt nền móng, định hướng, tầm nhìn cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Chiến lược đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C =SET+1

Theo đó, chữ C là chíp bán dẫn, chữ S là specialized, chuyên dụng, chip chuyên dụng. Việt Nam tập trung nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.

Chữ E là electronics - điện tử, công nghiệp điện tử. Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn cùng công nghiệp điện tử, công nghiệp chuyển đổi số, mà trọng tâm là AI– công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0.

Chữ T là talent - nhân lực, nhân tài. Việt Nam phát triển nhân lực là bước đi đầu tiên, là điểm đột phá, là mục tiêu chiến lược, trở thành một trung tâm (hub) về nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Số 1 trong công thức là vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Việt Nam tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng bán dẫn theo cách X +1.

Việt Nam xác định chủ động tham gia vào tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng theo một lộ trình ba bước, tận dụng xu hướng thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo phương châm X + 1. Trong đó, Việt Nam nỗ lực để trở thành điểm “+1” trong chuỗi cung ứng này, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, tạo sự an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn của thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có những thảo luận xung quanh vấn đề: làm thế nào để Việt Nam tận dụng cơ hội từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn? Chính phủ cần làm gì trong việc định hướng và hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam? Việt Nam cần làm gì để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành bán dẫn? Những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong phát triển ngành bán dẫn là gì? Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) có vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam?...

Có thể nhận thấy, công nghiệp bán dẫn đang đóng vai trò then chốt trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, là nền tảng cho sự phát triển của hàng loạt các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI),internet vạn vật (IoT),xe điện và nhiều lĩnh vực khác.

Việt Nam, với khát vọng vươn mình trở thành một quốc gia phát triển, không thể đứng ngoài cuộc. Công thức C=SET+1 thể hiện một cách tiếp cận chiến lược và toàn diện, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp điện tử vững mạnh, tập trung vào các sản phẩm chuyên dụng có giá trị gia tăng cao./.

PV.

Đăng ngày: 17/01/2025 , 09:58 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác