Tại Hà Nội, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) phối hợp với Messe Düsseldorf Asia vừa tổ chức thành công hội thảo kỹ thuật chuyên đề “Kiến tạo tương lai công nghiệp Đông Nam Á: Đổi mới – Kết nối – Tăng trưởng”. Sự kiện quy tụ hơn 120 chuyên gia, đại biểu, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang đến cái nhìn toàn diện về tiềm năng phát triển ngành dây và cáp điện tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Beattrice J Ho – Giám đốc Dự án wire Southeast Asia đánh giá cao vai trò, tiềm năng của Việt Nam. Ngành dây và cáp của Việt Nam không chỉ phát triển nhanh chóng mà còn cung cấp nền tảng hạ tầng thiết yếu cho các lĩnh vực năng lượng, viễn thông và chuyển đổi số – những trụ cột quan trọng định hình tương lai phát triển công nghiệp của toàn khu vực Đông Nam Á.
Ông Phạm Hồng Hải, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV CADIVI miền Bắc, thành viên Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Viêt Nam (VELINA) chúc mừng các đại biểu tham dự. Ông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh rằng: Hội thảo không chỉ cung cấp kiến thức thực tiễn mà còn tạo lập mạng lưới kết nối chiến lược, cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, xu hướng mới nhất trên thế giới, đặc biệt là nước Đức – Quốc gia dẫn đầu về công nghệ và giải pháp sản xuất công nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, đồng thời cũng là yếu tố then chốt giúp ngành dây và cáp điện Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn của toàn cấu.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia cũng khẳng định, Việt Nam hiện giữ vai trò kép: Vừa là thị trường tiêu thụ sôi động, vừa là trung tâm sản xuất phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành đang đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) từ 7,1% đến 7,6% đến năm 2030. Thực tế cho thấy nhu cầu trong nước đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển dây cáp điện áp cao, cáp ngầm và cáp quang.
Các ý kiến tại Hội thảo được các chuyên gia giải đáp thoả đáng, tạo cơ hội hợp tác cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều ý kiến kỹ thuật chuyên sâu đã được các chuyên gia thuyết trình với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ Đức, Áo, Singapore và nhiều quốc gia khác. Nhiều công nghệ mới được giới thiệu, bao gồm: máy kéo dây thế hệ mới của NIEHOFF, khuôn kéo chính xác từ Esteves Diamond Dies, hệ thống lọc dầu tiết kiệm năng lượng của Reber Systematic, công nghệ bọc dây tiên tiến từ Rosendahl Nextrom, cùng các chiến lược bảo trì khuôn kéo hiệu quả của EDER Engineering. Đặc biệt, các phân tích từ CRU nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong lĩnh vực cáp điện cho năng lượng tái tạo – một trụ cột của chuyển đổi xanh và hạ tầng số hóa. Ngay tại hội thảo, ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp được các chuyên gia giải đáp thoả đáng, mang đến nhiều cơ hội gợi mở cho doanh nghiệp Việt Nam.
Một nội dung xuyên suốt hội thảo là chuẩn bị cho sự kiện wire and Tube Southeast Asia 2025 sẽ diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 17–19/9/2025. Đây là hội chợ chuyên ngành lớn nhất khu vực, với hơn 400 đơn vị trưng bày và trên 10.000 khách tham quan quốc tế. Sự kiện được kỳ vọng sẽ là “bệ phóng” để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhận diện thương hiệu, kết nối đối tác, cập nhật công nghệ và mở rộng hợp tác xuyên biên giới.
Theo bà Beattrice J Ho, Hội thảo kỹ thuật chuyên đề “Kiến tạo tương lai công nghiệp Đông Nam Á: Đổi mới – Kết nối – Tăng trưởng” hôm nay là “bước đệm chiến lược” để doanh nghiệp Việt tiếp cận sâu hơn với cộng đồng quốc tế: “Đây không chỉ là hội thảo kéo dài một ngày – mà là khởi đầu cho hành trình đối thoại lâu dài với ngành công nghiệp Việt Nam”.
Các chuyên gia chụp ảnh cùng đại diện đại biểu dự hội thảo
Với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, định hướng phát triển đúng đắn từ Chính phủ và nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp nội địa, ngành dây và cáp điện Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò nòng cốt trong công cuộc hiện đại hóa công nghiệp, phát triển xanh và hội nhập quốc tế.
Tuấn Thành