Phạm Xuân Trường, Giám đốc Công ty giới thiệu sản phẩm và ký hợp đồng tiêu thụ sản mỳ gạo Chũ Năng Trường
Địa bàn sản xuất mỳ gạo Chũ nhiều nhất là làng nghề Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn ( Bắc Giang) chủ yếu theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình. Toàn huyện hiện có gần 30 HTX, hơn 1.000 hộ sản xuất mỳ gạo, tập trung ở các xã: Nam Dương, Trù Hựu, Thanh Hải… với các thương hiệu Mỳ gạo Chũ nổi tiếng như: Nam Dương, Thuận Hương, Dậu Anh, Trại Lâm, Hạnh Thái, Năng Trường...
Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Nam Dương chia sẻ: Từ năm 2009, ông và các thành viên HTX mỳ Chũ Xuân Trường đã phải trải qua bao khó khăn vất vả để xây dựng thương hiệu mỳ Chũ Xuân Trường. Để thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng, giao dịch với khách hàng, đối tác, năm 2021, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Nam Dương được thành lập và thương hiệu mỳ gạo Chũ Năng Trường có mặt trên thị trường. Hiện công ty đang nỗ lực trong cải tiến mẫu mã, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm mang tên: Mỳ gạo Chũ Năng Trường.
Sản phẩm mỳ rau, củ, quả đang được nhiều khách hàng ưa chuộng
Để sản phẩm mỳ gạo Chũ Năng Trường lan tỏa hương sắc quê, làm hài lòng các đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, đơn vị đặc biệt quan tâm đến khâu lựa chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính để sản xuất mỳ vẫn là gạo bao thai hồng được cấy trồng ở vùng đất đồi Lục Ngạn, hạt căng mẩy, khi nấu chin rất thơm. Vấn đề là làm thế nào để sợi mỳ mỏng mà dai, dẻo như lá lúa thì lại là bí quyết trong sản xuất mà không phải đơn vị nào cũng làm được. Cũng theo ông Phạm Xuân Trường, người làm mỳ khá vất vả, để cho ra thành phẩm ngon về chất lượng, đẹp về thẩm mỹ thì gạo bao thai hồng phải nhặt sạch sạn, đãi, vo rồi mới cho vào lu (một loại dụng cụ chứa được làm bằng đất nung) ngâm chừng sáu đến tám tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh mới có thể cho ra được thứ bột dẻo và sánh. Bột được lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Hôm sau, người làm nghề đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người chung tay chung sức, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mỳ đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó cũng phải khéo léo làm cho các sợi mỳ đều sóng, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của người thiếu nữ.
Nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, đơn vị không chỉ sản xuất mỳ gạo trắng truyền thống mà đã có nhiều cố gắng trong cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm như: Mỳ gạo lứt, mỳ vừng, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ hoa đậu biếc, mỳ củ dền, mỳ chùm ngây, khoai lang vàng…Toàn bộ sản phẩm này được làm từ gạo bao thai hồng kết hợp với rau, củ, quả trồng theo phương pháp VietGAP. Sản phẩm được kiểm định chất lượng ở các cơ quan có thẩm quyền và được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mới xuất bán ra thị trường.
Khâu đóng gói
Để bắt kịp xu thế và thích ứng với tình hình mới, ngoài bày bán sản phẩm tại các siêu thị, đại lý và website, đơn vị cũng đã liên kết với các sàn thương mại điện tử để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm. Trung bình mỗi tháng đơn vị sản xuất và tiêu thụ…tấn mỳ các loại, phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và phối hợp với các đối tác để xuất khẩu sang một số nước châu âu, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, phát triển và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm mỳ gạo Chũ Năng Trường, tiến tới đạt tiêu chuẩn ISO và OCOP, đơn vị từng bước khai thác lợi thế thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho Lục Ngạn - Vùng đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đã tạo điều kiện thuận lợi để vùng cây ăn quả trù phú với nhiều sản vật trái cây thơm ngon nức tiếng gần xa với bốn mùa hoa trái; Nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá phi vật thể như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn…; Nơi có nhiều di tích được xếp hạng như chùa Am Vãi, đền Hả. Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hoá, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”; hồ Khuôn Thần thơ mộng, yên bình; hồ làng Thum, hồ Bầu Lầy ẩn mình trong các ngôi làng; suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang hoang sơ, kỳ vĩ...có thể đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng quanh năm. “Quà mà du khách dự định mua về cho bạn bè, người thân sẽ là những sản vật quê hương, trong đó không thể thiếu mỳ gạo Chũ”- ông Phạm Xuân Trường nói./.
PV.