Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu hàng hóa

Đăng ngày: 03/07/2024 , 18:09 GMT+7

Ngày 2/7/2024, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 với chủ đề: “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024”.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu ước của liên Bộ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

Một số yếu tố đã và đang thúc đẩy sự hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế.

Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, hứa hẹn sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023 như EU và Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ, các chỉ số tiêu dùng hồi phục đã trở thành yếu tố hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn. Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác. Đây là những yếu tố thuận lợi và khó khăn đối với hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2024.

Đánh giá về kết quả hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng đầu năm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước, để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại đã tập trung tăng cường xúc tiến thương mại khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của các Vùng kinh tế; Xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới; phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tư vấn, cung cấp thông tin thị trường cho địa phương, doanh nghiệp...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực. Qua công tác giao ban có thể thấy các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp cũng chủ động trong các vấn đề thương mại, điều này được coi mang tính quyết định, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. 6 tháng cuối năm 2024 cần chú trọng các điểm mới để thúc đẩy thương mại. Trong đó, cần phổ biến thông tin đến doanh nghiệp, địa phương nội dung quan trọng nhất của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đối với các thị trường quan trọng. Các hoạt động xúc tiến thương mại phải có trọng tâm, trọng điểm, có kế hoạch cụ thể, xúc tiến thương mại không chỉ đối với thị trường nước ngoài mà còn phối hợp với các địa phương, đặc biệt là liên kết vùng, liên kết khu vực và liên kết ngành nghề...

PV.

 

Đăng ngày: 03/07/2024 , 18:09 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác