Vận tải biển của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng năm 2020

Đăng ngày: 28/01/2021 , 08:28 GMT+7

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng ổn định trong nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm đạt 13,8% và năm 2020 tiếp tục tặng trưởng.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lượng hàng hóa vận chuyển thông qua cảng biển Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với trung bình hàng năm, tăng 4% so với năm 2019. Trong đó khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt 22,1 triệu, tăng 13% so với năm 2019.

Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của ngành Hàng hải, đặc biệt là đội tàu Việt Nam với năng lực được đầu tư đã cơ bản đảm nhận được gần 100% khối lượng hàng hóa vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như hàng hóa lỏng (LPG),ximăng rời.

Hàng hoá qua Cảng biển Việt Nam tăng trưởng ổn định. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đối với loại hàng hóa mà đội tàu Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, giải pháp được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép trong thời gian ngắn hạn cho một số tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam được vận tải nội địa.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tàu chuyên dụng đáp ứng nhu cầu vận tải trong nước đối với các mặt hàng như khí hóa lỏng, ximăng rời, tàu dầu thô trọng tải lớn, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp trong nước xây dựng kế hoạch đầu tư tàu thay thế tàu nước ngoài, theo kế hoạch chỉ cấp phép cho tàu nước ngoài vận tải nội địa đến hết năm 2023.

Thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam hiện đang giảm sút và ngược lại đội tàu biển nước ngoài tăng lên hiện chiếm 95% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do chiếm lĩnh thị trường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, các hãng tàu thu rất nhiều loại phụ thu ngoài giá cước (phụ phí) đối với chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam (như phụ phí mất cân đối container, phí hóa đơn, kẹp chì...),hiện tại các hãng tàu đang thu khoảng 10 loại phụ phí khác nhau. Trong nửa cuối năm 2020, việc nhu cầu hàng hóa tăng 30% và sự thiếu hụt container rỗng đã diễn ra khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể, từ cuối tháng 10/2020, một số hãng tàu như Wan Hai Lines Ltd., Heung A Line, Interasia, Yaming Shipping Vietnam, Sinokor (Vietnam),Cosco Shipping Lines… đã đồng loạt yêu cầu tăng phụ phí Rate Retoration (RR) đối với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam, mức tăng từ 50-200 USD/container đồng thời tại một số tuyến Việt Nam đi châu Mỹ, châu Âu, giá cước vận tải tăng rất cao, có tuyến giá cước tăng lên gấp 2 - 3 lần.

Việc các hãng tàu liên tục tăng các loại phụ phí và tăng giá cước trong thời gian dịch Covid -19 đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, làm tăng chi phí vận tải. Theo tính toán của Ocean Insights, tỷ lệ hàng hóa phải nằm chờ tại các cảng biển lớn đạt mức trung bình 37% trong tháng 12/2020. Tại một số cảng biển hàng đầu như Thượng Hải, Singapore hay cảng Klang ở Malaysia, tỷ lệ này lên tới 40 - 50%. Các chuyên gia trong ngành cảnh báo, tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm nay, nếu nhu cầu hàng hóa vẫn ở mức cao./.

BT.

Đăng ngày: 28/01/2021 , 08:28 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác