Hiện nay đang có xu hướng mua thực phẩm đồ hộp “handmade” của người quen hoặc rao bán trên mạng vì cho rằng những loại thực phẩm này không chứa chất bảo quản.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai Hà Nội, những loại thực phẩm này cũng chứa nhiều nguy cơ ngộ độc nếu điều kiện vệ sinh không đảm bảo và nhiều người đang hiểu sai về chất bảo quản là có hại. Thực tế, nếu các chất bảo quản được phép sử dụng và đúng liều lượng sẽ không làm sao.
Bên cạnh đó, vi khuẩn botulinum thường phát triển trong môi trường thiếu không khí như các loại đồ hộp, túi nilon hút chân không…, nếu chế biến không đảm bảo vệ sinh, vi khuẩn sẽ phát triển gây ra độc tố. Do đó, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo điều kiện an toàn, tiệt trùng dụng cụ ở nhiệt độ cao, nấu trong điều kiện thủ công sẽ khó diệt được vi khuẩn, đây cũng là nguyên nhân mà các công ty sản xuất công nghiệp ít xảy ra loại ngộ độc này. Tuy nhiên, điều may mắn là độc tố của botulinum dễ tiêu diệt, chỉ cần ở điều kiện đun sôi, nấu chín, độ mặn trên 5%, độ pH dưới 4,6.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia từng công tác tại Viện Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, người dân nên thận trọng với các sản phẩm thực phẩm đóng kín, chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
Khi phát hiện sản phẩm có mùi, màu sắc, vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường),tuyệt đối không nên ăn.
Dù sử dụng túi hút khí sẽ giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, song Bộ Y tế khuyên người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.
Khi chế biến, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới nấu chín do độc tố botulinum không bền với nhiệt, bất hoạt ở 80 độ C và phân hủy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút.
Loại vi khuẩn này không phát triển được trong môi trường có độ pH dưới 4,6, do vậy khi người dân muối dưa, muối cà, măng… cần phải che đậy kín, đảm bảo đủ độ chua, mặn mới dùng. Khi thực phẩm hết chua không nên ăn.
Nếu ăn phải thực phẩm nhiễm botulinum từ 12-36 giờ, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên có những trường hợp phát tác chậm có thể kéo dài 6-8 ngày.
Các triệu chứng ban đầu bao gồm nôn, buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.
Biểu hiện đặc trưng của ngộ độc botulium là liệt thần kinh đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống tay, chân. Trên mặt có thể có biểu hiện sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng. Sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân…
Để phòng ngộ độc tốt nhất không nên ăn đồ hộp nắp đã phồng, không ăn đồ hộp sau khi mở quá 24 tiếng. Không sử dụng các loại đồ hộp không rõ nguồn gốc sản xuất.
Đồ hộp “handmade” tuy có rất nhiều lợi ích tiện dụng cho cuộc sống ngày nay, thế nhưng chúng ta nên hạn chế sử dụng chúng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
* Các chuyên gia lưu ý: Chỉ nên sử dụng sản phẩm “handmade” nếu tự tay làm được, và thời gian sử dụng nằm trong khoảng từ 3 – 5 ngày; không dùng thực phẩm đóng hộp quá 24 giờ sau khi mở nắp; không nên sử dụng đồ hộp đã bị phồng ở 2 mặt. Mọi người nên mua sản phẩm “handmade” ở những cơ sở sản xuất uy tín có đăng ký kiểm định về chất lượng và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.