Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn chủ trì buổi làm việc cùng VPI
Tại buổi làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam vừa qua, đại diện VPI cho biết, làm viện nghiên cứu, Viện có quan điểm nhất quán là phát triển VPI với vai trò, sứ mệnh và năng lực cốt lõi gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh, mục tiêu chiến lược phát triển Tập đoàn, Trong đó, hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ ngang tầm khu vực trong tất cả các lĩnh vực, một số lĩnh vực ngang tầm thế giới.
Với sứ mệnh của mình, VPI xác định là hạt nhân trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ dầu khí, hội tụ trí tuệ thế giới, tạo giá trị gia tăng về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn và ngành Dầu khí Việt Nam, giúp Tập đoàn phát triển bền vững và phát triển năng lực cạnh tranh thông qua tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh và đột phá trong ứng dụng và sáng tạo tài sản trí tuệ.
Hiện nay, VPI đang nỗ lực sử dụng hiệu quả công nghệ AI, kết hợp với trí tuệ con người để tạo lập tài sản trí tuệ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vì vậy, mục tiêu của VPI sẽ hỗ trợ hình thành và phát triển hiệu quả hệ sinh thái sáng tạo năng lượng-công nghiệp Việt Nam phục vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhằm thúc đẩy văn hoá hợp tác và chia sẻ tri thức trong toàn Tập đoàn; Thúc đẩy sáng tạo trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đồng thời, hội tụ trí tuệ thế giới phát triển tài sản trí tuệ cho Tập đoàn... Qua đây cho thấy, VPI là đơn vị đóng vai trò hạt nhân, nền tảng của hệ sinh thái sáng tạo.
Được biết, các sản phẩm chủ lực của VPI gồm: VPInsights: Tổng hợp tri thức về dầu khí, CCS, H2/NH3, điện gió ngoài khơi,…; Bản sao số cho các bể trầm tích tại Việt Nam; Giải pháp tối ưu Gas lift/ESP; Giải pháp tăng cường thu hồi dầu (EOR); Quy hoạch các Trung tâm năng lượng-công nghiệp: Tích hợp xử lý khí/lọc dầu – hoá dầu – điện gió ngoài khơi – CCUS – H2/NH3 xanh và tái chế/tuần hoàn; Chia sẻ hạ tầng – tiện ích; Mô hình Trung tâm (Hub) cung cấp năng lượng; EaaS: Cung cấp dạng năng lượng với mức độ “xanh” và “ổn định” theo nhu cầu hộ tiêu thụ.
Mở rộng ứng dụng CNT/Graphene: Mở rộng phân phối dầu nhờn chứa graphene, thực nghiệm tiến tới sản xuất thường xuyên các sản phẩm có tính năng được tăng cường bởi CNT/Graphene (sơn, bê tông, phân bón nhả chậm); các ứng dụng cao cấp (điện cực cho pin, chip, vật liệu màng, tồn trữ H2).
Phát biểu tại buổi làm việc với VPI, ông Lê Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Petrovietnam ghi nhận sự nỗ lực của VPI và đánh giá cao việc chủ động, đóng góp của VPI đối với sự phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh, VPI cần tiếp tục khẳng định là đại diện trí tuệ của ngành Dầu khí Việt Nam, nuôi dưỡng, thắp sáng ngọn lửa trí tuệ và đam mê nghiên cứu khoa học dầu khí.
Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn cũng đề nghị, VPI và các ban chuyên môn của Tập đoàn cần tiếp tục tăng cường phối hợp, liên kết chặt chẽ công tác nghiên cứu khoa học giữa các đơn vị thành viên. Trong đó, VPI phải là cánh tay nối dài của Tập đoàn trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Quang cảnh buổi làm việc của các lãnh đạo
Cụ thể, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn giao cho VPI 5 nhiệm vụ chính gồm: Nhanh chóng kiện toàn mô hình tổ chức; Định hướng xây dựng các mục tiêu trọng tâm Nghiên cứu khoa học; Đào tạo đội ngũ trí thức kế cận, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Tập đoàn; Tăng cường tính liên kết các đơn vị thành viên trong nghiên cứu khoa học dầu khí, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới; Hoàn thiện sớm chiến lược nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn cũng đề nghị VPI chuẩn bị kỹ các nội dung, hoạt động nhân Hội nghị quốc tế 50 năm Khoa học công nghệ Dầu khí Việt Nam; đồng thời yêu cầu các ban chuyên môn Tập đoàn vận dụng quy định pháp luật để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, cũng như VPI, với mục tiêu đạt kết quả cao nhất, góp phần vào thành tựu chung của Tập đoàn và ngành Dầu khí Việt Nam.
PV