Bộ sản phẩm Hạt Ngọc Mùa Vàng của Phân bón Cà Mau đã tác động quan trọng tới hiệu quả cây trồng, đem lại năng suất, chất lượng cho bà con nông dân trong và ngoài nước khi dùng sản phẩm
Biến sình lầy mang lại vàng đen
Từ vùng đất sình lầy, phèn mặn (xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), nhưng với tiềm lực tài chính vững mạnh và khối óc quản trị, điều hành của những người lãnh đạo tài ba thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trình độ kỹ sư và những đôi bàn tay khéo léo của các công nhân lành nghề, sau hơn 40 tháng triển khai thực hiện dự án, ngày 30/1/2012 Nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên. Và khi đi vào vận hành ổn định 100% công suất đã cung cấp ra thị trường 800.000 tấn urê mỗi năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân urê của cả nước, góp phần ổn định thị trường phân bón trong nước.
Kết quả đó đã hiện thực hóa giấc mơ đúng tiến độ và là nhà máy đạm đầu tiên và duy nhất ở nước ta sản xuất được urê hạt đục chất lượng cao, giải quyết triệt để tình trạng thiếu phân bón urê trên thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long- nơi đây có vựa lúa lớn nhất cả nước, tiết kiệm được cả trăm triệu USD khi phải nhập khẩu phân bón. Một điều đặc biệt quan trọng không tách rời là sản phẩm phân bón Cà Mau chất lượng, uy tín và có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Được biết, chỉ sau 1 năm đi vận hành, kết quả sản xuất kinh doanh của Phân bón Cà Mau liên tục tăng trưởng vượt bậc. Tính riêng trong năm 2012- năm đầu đi vào sản xuất, sản lượng urê đạt tới 481.000 tấn, tiêu thụ đạt 444.000 tấn, doanh thu đạt trên 4.000 tỷ đồng. Kết quả đó lần nữa khẳng định có sự đóng góp tích cực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhân nhân viên trẻ khỏe, năng động và nhiệt huyết.
Song hành sứ mệnh cao cả của Phân bón Cà Mau là giải quyết việc làm cho gần 800 lao động; đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương và an sinh xã hội... Bước đầu cho ta thấy hiện thực hóa giấc mơ biến khu đất sình lầy xây dựng nhà máy sản xuất ra vàng đen.
Đến với Nhà máy Phân bón Cà Mau cho ta thấy những dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại, tự động hóa từ khâu vận chuyển, cảng bỗ dỡ hàng được đầu tư hiện đại bậc nhất
Bước chuyển mình mạnh mẽ đầy ấn tượng
Sau 13 năm kể từ ngày thành lập tới nay, Phân bón Cà Mau cũng như các công ty phân bón trên cả nước đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức của thị trường, nhưng với sự tâm huyết, quản trị tốt và tiên phong trong chất lượng sản phẩm, thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã chinh phục được đỉnh cao mới, cho ra nhiều dòng sản phẩm mới với công nghệ cao, phù hợp với nhiều loại cây trồng, cho năng suất cao.
Nhìn lại chặng đường 13 năm, từ những ngày đầu chập chững đã đem lại doanh thu từ 6.000 tỷ đồng và lên tới 13.000 tỷ đồng sau 13 năm; sản xuất từ 800.000 tấn nay lên khoảng 930.000 tấn urê. Đến nay, sản phẩm Phân bón Cà Mau đã lập kỷ lục thị phần, chiếm tới khoảng 60% thị phần phân bón cả nước. Đồng thời, sản phẩm còn thâm nhập được vào các thị trường khó tính.
Tính tới nay, Phân bón Cà Mau đã có mặt ở hơn 20 quốc gia trên thế giới (bao gồm cả những quốc gia có yêu cầu khắt khe như Úc và New Zealand). Điều đó chứng minh chất lượng sản phẩm, công nghệ hiện đại, xứng tầm quốc tế để sản phẩm “lọt” vào mắt xanh của các khách hàng khó tính và thương hiệu Phân bón Cà Mau đã ăn sâu vào bộ nhớ của người dân trong và ngoài nước. Kết quả này cho thấy, hành trình 13 năm hình thành và phát triển của Phân Bón Cà Mau đã và đang chứng minh sứ mệnh lớn lao của doanh nghiệp là “Người nuôi dưỡng” với nông nghiệp Việt Nam, vững mạnh vươn ra thế giới.
Từ nền tảng sản phẩm cốt lõi là urê, đến bộ "Hạt Ngọc Mùa Vàng" hàng chục dòng sản phẩm phân bón chất lượng cao, công nghệ tân tiến và tiếp đó là các sản phẩm hữu cơ, vi sinh hợp thời. Nhà máy NPK Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm ra đời đúng thời điểm, tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu phân bón cao cấp, xâm nhập và phát triển thành công thị trường chiến lược này.
Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau còn mang một sức mệnh lớn lao là tạo việc làm ổn định, với mức thu nhập cao cho hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên, người lao động, trong đó, lao động địa phương- nơi đóng chân của nhà máy tại Cà Mau chiếm khoảng 50%.
Quang cảnh nhà máy đúng mô hình nhà máy công viên, văn phòng làm việc xanh - sạch - đẹp, đẳng cấp ví như khách sạn 5 sao
Trong suốt chiều dài lịch sử của hơn một thập kỷ trôi qua, nay nhìn lại, Phân Bón Cà Mau đã và đang thực hiện rất tốt các công trình dành cho giáo dục, y tế và hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn với những con số tài trợ ước tính đến nay hơn 500 tỷ đồng; hoàn thành gần 2.000 căn nhà Đại đoàn kết, hơn 65 công trình trường học, 15 trạm y tế, hàng trăm nhịp cầu và công trình giao thông lớn nhỏ thuộc vùng sâu, vùng xa và hàng chục nghìn suất học bổng trao cho các em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.
Những hạt phân nhỏ đã góp phần thay áo mới của Cà Mau
Năm 2012 tôi rất may mắn cùng đoàn nhà báo được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức vào tham quan và làm việc với dự án Đạm Cà Mau. Sau gần một ngày di chuyển mới đặt chân tới đất mũi Cà Mau. Lúc này, trong tôi không khỏi ngạc nhiên và man mác buồn bởi trước mắt là một vùng đất hoang sơ, thấp thoáng mới nhìn thấy ngôi nhà thấp nhỏ, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, những vùng đất trống đầy lau sậy cao tốt hơn đầu người. Chính vì lẽ đó khiến cho người dân nơi đây mãi khó khăn bởi ít có công trình, nhà máy mọc lên để tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Vì vậy, người dân sống chủ yếu vào nghề làm nông nên nhiều hộ gia đình sống mãi trong căn hộ lụp sụp, ẩm thấp, mùa nước lên ngập triền miên; hàng quán đìu hiu, kinh doanh không hiệu quả…
Vì vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau những năm trước đây rất khó khăn. Theo tìm hiểu của phóng viên, đơn cử như năm 2010 tổng thu ngân sách của tỉnh Cà Mau chỉ đạt trên 2.894 tỷ đồng. Vì vậy, việc đầu tư cho các công trình phúc lợi, đường xá giao thông đi lại không mấy thuận lợi. Đúng như các cụ ta đã nói, không có bột sao gột nên hồ.
Phân Bón Cà Mau đã trao tặng rất nhiều những suất học bổng Hạt Ngọc Mùa Vàng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi…
Sau 12 năm, tới cuối tháng 10/2024 vừa qua tôi mới có dịp trở lại làm việc với Nhà máy Đạm Cà Mau tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Sau khoảng 4h chờ đợi và di chuyển đáp sân bay Cần Thơ, những người cán bộ năng động, chu đáo của Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp - Công ty CP Phân bón Cà Mau là Phạm Lan Anh và Phan Thị Ngọc Duyên setup và đón đoàn nhà báo chúng tôi để di chuyển xuống Nhà máy Đạm Cà Mau.
Trên đường tới Cà Mau chúng tôi phải di chuyển qua 4 tỉnh gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu với khoảng 150 km mới tới được Cà Mau. Trải qua những quãng đường dài đằng đẵng nhưng cũng thuận lợi là đường đã được thảm bê tông nhựa asphal phẳng đẹp. Suốt trục quốc lộ trước mắt vẫn chủ yếu là cây xanh bao phủ, thấp thoáng có ngôi nhà thấp nhỏ, gần như không nhìn thấy công nghiệp. Chính vì vậy, người dân một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn rất khó khăn, sống chủ yếu bằng nghề truyền thống và trồng lúa, cây màu... nên chưa có gì bứt phá.
Ngược lại, đặt chân xuống đất mũi Cà Mau cho ta thấy một cảm giác khác hẳn các tỉnh trên. Suốt quãng đường từ thành phố Cà Mau tới Nhà máy Đạm Cà Mau hiện lên cho ta thấy những ngôi nhà to đẹp, san sát, đường phố nhộn nhịp người qua lại, hàng quán sầm uất và rất nhiều các thương hiệu hàng hóa lớn mọc lên, điều đó cho ta thấy đúng như lời bài hát "Áo mới Cà Mau" vì nay đã khác sưa quá nhiều.
Để tìm hiểu về sự thay da đổi thịt mang tính ngoạn mục của một tỉnh nghèo như Cà Mau, chúng tôi đã trao đổi qua rất nhiều ý kiến người dân nơi đây đều bày tỏ chung quan điểm: Cà Mau phát triển như ngày nay phải kể tới từ khi Cụm Khí - Điện - Đạm xây dựng và đi vào hoạt động đã giúp cho Cà Mau thay đổi rõ rệt. Thành phố Cà Mau ngay nay khoác trên mình một diện mạo mới với bao công trình phúc lợi được đầu tư, đường bê tông, thảm nhựa rộng mênh mông, cảnh quan đổi mới, hàng quán mua bán tấp nập, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, trong đó điển hình là Nhà máy Đạm Cà Mau đã đóng góp không nhỏ cho tỉnh nhà.
Nhờ đó, những năm gần đây tỉnh Cà Mau thu được nguồn ngân sách tăng rất lớn. Như 2010 tổng thu ngân sách của tỉnh Cà Mau chỉ đạt trên 2.894 tỷ đồng thì năm 2023 thu 5.710 tỷ đồng. Kết quả đó cho thấy, tác động tăng trưởng tích cực của tỉnh Cà Mau và người dân nói chung phần lớn từ các công trình của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong đó có Nhà máy Đạm Cà Mau đã đóng góp quan trọng, làm thay da đổi thịt cho tỉnh Cà Mau, vượt lên tất cả các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chỉ tính trong năm 2024, Công ty CP Phân bón Cà Mau triển khai trồng 10.000 cây xanh tại tỉnh Cà Mau
Và hy vọng rằng, Phân bón Cà Mau tiếp tục là điểm sáng lan tỏa trong việc sản xuất cho ra những sản phẩm phân bón chất lượng cao, cho năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tỉnh Cà Mau và đóng góp tích cực vào an sinh xã hội cả nước nói chung.
Kim Tuyến