Cây lúa mang lại nhiều lợi ích cho nông dân khi sử dụng được phân bón chất lượng, có giá cạnh tranh
Chủ động là thắng lợi cho doanh nghiệp và nông dân
Như chúng ta đã thấy, những năm gần đây các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đầu vào cho sản xuất liên tục diễn biến khó lường theo chiều hướng không tích cực, hàng khan hiếm, giá cả tăng cao. Cụ thể, đối với những doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu vào chạy bằng than ngày càng khan hiếm, giá than luôn trong tình trạng tăng cao.
Về phía doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu vào là khí thiên nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn do nguồn ngày càng khan hiếm, giá cả luôn theo chiều hướng tăng cao. Yếu tố căn bản đó đã tác động không tốt cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, làm giảm hiệu quả, khó có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu và đặc biệt sẽ khó chủ động ổn định được nguồn phân bón trong nước.
Phải khẳng định rằng, Việt Nam chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhưng cũng là thách thức lớn khiến các doanh nghiệp phải tự căng mình đối phó với các tình huống như hàng giả, hàng nhái kém chất lượng tràn vào Việt Nam bán với giá rẻ, khiến cho lực lượng quản lý thị trường cũng khó kiểm soát, đè nặng lên vai doanh nghiệp vì tăng sức ép cạnh tranh.
Vấn đề cần bàn, bất cứ sản phẩm gì khi chúng ta không chủ động được nguồn trong nước, phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ không thể lường trước được khi khan hiếm hàng sẽ bị đẩy giá tăng cao cũng như hàng giả hàng nhái. Điều nãy sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người chịu tác động nhiều nhất vẫn là người dân vì khâu cuối tiêu thụ.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào ta vẫn thấy doanh nghiệp trong nước là “trụ đỡ” quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế phát triển bền vững, cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước, các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Đơn của như cơn bão Yagi vừa qua đã càn quét nhiều tỉnh thành miền Bắc nước ta và đã mất mát quá lớn cả về người và tài sản nên nhìn lại những lúc nguy nan này mới thấy rõ vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, công ty trong nước đã chung tay, chia sẻ, hỗ trợ tiền, thực phẩm, xây nhà hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn… Đây chỉ là một trong nhiều chương trình hỗ trợ an sinh xã hội mà các doanh nghiệp trong nước đã cùng chung tay hỗ trợ.
Để phát huy tốt vai trò trên đòi hỏi tinh thần đoàn kết, sẻ chia nhưng điều đặc biệt như các cụ xưa đã nói “có bột mới gột nên hồ, có thực mới vực được đạo”- câu nói này có ý nghĩa sâu sắc từ thực tiễn đến hành động. Điều đó nói lên việc khi doanh nghiệp phát triển vững mạnh sẽ tạo được việc làm ổn định cho người lao động và đóng góp cho xã hội nói chung.
Cần giải pháp doanh nghiệp phát triển, người dân có lợi
Để doanh nghiệp phát triển bền vững, người dân ấm no cần có doanh nghiệp trong nước đủ mạnh mới tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Đối với nông dân trồng trọt cần tăng năng suất và chất lượng cao...
Muốn đạt được hiệu quả đó yếu tố căn bản đầu vào cho cây trồng là phân bón chất lượng.
Được biết, trong những năm qua bà con nông dân tin dùng và đánh giá cao về chất lượng các sản phẩm phân bón do các doanh nghiệp trong nước sản xuất như: Phân bón Cà Mau, Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Bình Điền, Phân bón Miền Nam, Phân lân Văn Điển, Phân lân Lâm Thao, Phân đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ… Đây là những doanh nghiệp điển hình về sản xuất và cung cấp ra thị trường những sản phân bón chất lượng cao, dễ sử dụng, phù hợp với thổ nhưỡng cây trồng và đem lại năng suất, chất lượng cao. Không những vậy, những doanh nghiệp này còn đóng góp quan trọng vào các chương trình, an sinh xã hội, đồng hành với người dân.
Tuy nhiên, nhiều khi tham rẻ nên có nhiều nông dân vẫn chọn phân bón nhập khẩu. Điều đó đã khiến phân bón trong nước phải chịu thiệt thòi, thua ngay trên sân nhà.
Để người dân mua được sản phẩm trong nước tốt, phù hợp với thổ nhưỡng cây trồng, đem lại năng suất, chất lượng nhưng với giá thành cạnh tranh, điều này đòi hỏi cần sự thấu hiểu và sẻ chia giữa nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt như trước đây khi áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT kể từ ngày 01/1/2015. Điều này vô hình là nguyên nhân khiến ngành phân bón gặp khó khăn hơn cả khi chịu thuế VAT kể từ sau năm 2014.
Thực tế đã chứng minh việc bỏ thuế VAT với phân bón tưởng là “ưu đãi” hóa ra lại là “ngược đãi” với người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Cụ thể, khi mua nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ đầu vào, các doanh nghiệp đã phải nộp thuế VAT. Tuy nhiên, khi không áp thuế, phân bón đầu ra không được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất khiến giá phân bón cao hơn. Người nông dân là đối tượng tiêu thụ cuối cùng, chính là người chịu thiệt, phải chịu mức giá cao hơn trước.
Việc không được khấu trừ thuế VAT, chi phí sản xuất tăng lên khiến giá thành sản phẩm tăng theo sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước so với các đơn vị nhập khẩu phân bón, đặc biệt là các phân bón được sản xuất từ các nguyên vật liệu nguyên khai (apatit, than, secpentin...) như phân lân, đạm, phân DAP.
Ở các quốc gia có chi phí sản xuất thấp, cộng với nhiều ưu đãi về thuế VAT nên chi phí sản xuất đầu vào rẻ, khi nhập khẩu vào Việt Nam đương nhiên giá phân bón sẽ thấp hơn trong nước sở tại. Với việc phân bón nhập khẩu tăng mạnh sẽ làm cho phân bón trong nước gặp khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động... Nhiều doanh nghiệp bị thất thu do không khấu trừ thuế VAT hằng năm, nhưng vẫn phải đưa ra sản phẩm có giá cạnh tranh với thị trường. Người nông dân sử dụng phân bón nhập khẩu với chất lượng khó kiểm soát, tác động xấu đến năng suất chất lượng và môi trường.
Cùng với đó là sự lệ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu, không thể bảo đảm sự phát triển bền vững của nông nghiệp, không khuyến khích doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm. Hệ quả là không tự chủ được sản lượng phân bón trong nước, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Hơn lúc nào hết, chính sách thuế bất cập rất cần nhanh chóng được sửa đổi trong việc áp thuế 5% cho phân bón sản xuất trong nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nền nông nghiệp, nông dân và ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững.
Kim Tuyến