Hội thảo giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhà nước

Đăng ngày: 31/03/2021 , 19:39 GMT+7

Ngày 31/3/2021, tại Hà Nội, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo “Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế”.

 

Quang cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo là hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết 161/NQ-CP ngày 29/10/2020 của Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DNNN),là diễn đàn để các Bộ ngành, chuyên gia kinh tế và đặc biệt là khối DNNN chia sẻ về các giải pháp thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong việc quản trị tài chính và đầu tư, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm thúc đẩy DNNN triển khai các hoạt động đổi mới công nghệ và cải thiện năng lực quản trị trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp.

Tham dự Hội thảo có PGS. TS. Hồ Sĩ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); ông Vũ Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại; TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh và các học giả, các nhà nghiên cứu, đại diện các cục, vụ, viện của bộ ngành địa phương và đại diện mộ số doanh nghiệp nhà nước, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức kinh tế, cơ quan truyền thông tham dự và đưa tin.

Hội thảo tập trung bàn luận các nội dung chính về thực trạng hoạt động của DNNN quy mô lớn, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty, các chủ trương lớn cần thay đổi để phát triển DNNN hiện nay, các giải pháp nhằm củng cố, phát triển các mô hình DNNN lớn, hoàn thiện các cơ chế chính sách để DNNN phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại đánh giá cao về vai trò và những đóng góp của DNNN trong thời gian qua. Các DNNN có bước phát triển vượt bậc, góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của quốc gia.

Với quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm dần, chiếm tỷ trọng thấp về số lượng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, song vẫn nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, tạo nguồn doanh thu và đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù hiện nay số lượng DNNN không lớn, tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 650 doanh nghiệp nhà nước, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh...

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá về bối cảnh mới liên quan trực tiếp đến chủ đề hội thảo như vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất công nghiệp theo hướng sản xuất xanh, phục hồi xanh, khẳng định vai trò chủ thể dẫn dắt và định hình một số lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực về công nghệ mới, công nghệ xanh. Hội thảo cũng đánh giá về những tồn tại hạn chế và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của DNNN, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn phát huy được vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế, hướng tới làm chủ công nghệ số, định hướng công nghiệp và kiểm soát được một số chuỗi cung ứng sản phẩm.

Tại hội thảo các chuyên gia cũng đánh giá chất lượng quản trị doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng được cải thiện, tiến dần hơn các chuẩn mực khu vực ASEAN. Tuy vậy, khoảng cách vẫn còn quá xa. 12 đại dự án đắp chiếu đã thể hiện rõ sự yếu kém của doanh nghiệp nhà nước 100% vốn nhà nước của Việt Nam.

PGS.TS Hồ Sĩ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước trình bày tham luận tại Hội thảo

Trình bày tham luận, PGS.TS Hồ Sĩ Hùng, Phó Chủ tích Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trao đổi về một số chủ trương lớn cần thay đổi để phát triển DNNN hiện nay và đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác; củng cố, phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có thương hiệu lâu đời, bên cạnh khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ngày càng lớn mạnh sẽ là một trong những giải pháp quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế nhưng vẫn chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh do một số những tồn tại, hạn chế. Các DNNN còn thiếu tự chủ, điều này cản trở các DNNN tham gia vào đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế còn hạn chế. Vấn đề này xuất phát từ việc DNNN chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, một số bộ đang được giao quản lý DNNN nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể cơ quan nào có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN. Hệ thống quản lý, giám sát rườm rà bởi nhiều quy định, không theo kịp với yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, với nhận định về những “điểm nghẽn”  và những vấn đề đặt ra trong cơ chế, chính sách phát triển và quản trị DNNN. Theo ông Hải, điểm tắc nghẽn trong cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhà nước hiện nay là khung pháp lý thiếu ổn định và không rõ ràng đã kìm hãm đổi mới sáng tạo trong đầu tư phát triển.

Đồng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá về hiệu quả hoạt động và quản trị DNNN trong bối cảnh phát triển mới cho rằng, cần thiết làm rõ nội hàm kinh tế nhà nước là chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước là nóng cốt; hoàn thiện quản trị bình đẳng, thống nhất giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác, nhất là những khâu yếu như tuyển dụng, bổ nhiệm. Theo đó, xem xét sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện với các định hướng đột phá, tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp nhà nước.

TS. Nguyễn Quang Tuấn, Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội

Về vấn đề quyền tự chủ cho DNNN nhằm tăng tính chủ động trong phát triển sản xuất kinh doanh, TS. Nguyễn Quang Tuấn, Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội đề xuất, mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, tư duy coi doanh nghiệp nhà nước như doanh nghiệp tư nhân đồng thời hỗ trợ tốt doanh nghiệp trong dự báo, định hướng cũng như có những cảnh báo tốt đối với doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh, một số DNNN cần được trao quyền hoặc được giao nhiệm vụ và xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN. Các bộ, ban, ngành cần tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý. Trao quyền, “cởi trói”, nhưng câu chuyện giám sát, quản lý phải làm tốt. Có như vậy, các doanh nghiệp nhà nước mới phát huy hết được thế mạnh của mình.

Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá về những hiệu quả hoạt đông và năng lực cạnh tranh của DNNN và đanh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến xây dựng và phát triển DNNN ngày càng phát triển, xứng đáng với vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta trong tình hình mới./.

Vũ Trìu

Đăng ngày: 31/03/2021 , 19:39 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác