Tình hình đăng kí doanh nghiệp năm 2021 và những tác động của dịch Covid-19

Đăng ngày: 02/01/2022 , 14:46 GMT+7

Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2021 tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những tác động của các vấn đề kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong đó, đáng kể nhất là sự bùng phát của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư với sự xuất hiện của các biến chủng mới cùng những diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2021 có sự thay đổi rõ nét qua từng tháng, từng quý theo diễn biến của dịch bệnh. Ngay từ Quý I/2021, sau một năm 2020 chống chịu với ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn do việc đóng cửa biên giới giữa nhiều quốc gia, thương mại quốc tế chưa thông suốt, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cho chi phí nguyên vật liệu đầu vào trở nên đắt đỏ... Do vậy, lần đầu tiên trong giai đoạn Quý I kể từ năm 2016 đến nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã có sự giảm sút.

Bước sang Quý II/2021, mặc dù xuất hiện những ca bệnh đầu tiên của làn sóng Covid-19 lần thứ tư với biến chủng mới Delta kể từ cuối tháng 4/2021, nhưng việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta đã giúp cho tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4, 5/2021 có những tín hiệu tích cực. Trong đó, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 4/2021 đạt mức kỷ lục so với giai đoạn cùng kỳ các năm trước.

Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2021, tình hình đăng ký doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Bối cảnh dịch bệnh cùng thời gian giãn cách kéo dài đã khiến cho tình hình đăng ký doanh nghiệp trong những tháng tiếp theo có sự sụt giảm mạnh so với những năm trước. Đặc biệt, trong Quý III/2021 đã xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp thành lập mới Quý III/2021 thấp nhất trong giai đoạn Quý III kể từ năm 2015. 

Mặc dù vậy, với nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Việc triển khai Nghị quyết thống nhất trên phạm vi toàn quốc đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, được đông đảo người dân và doanh nghiệp hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội dần được khôi phục, từng bước tạo nên sự khởi sắc rõ nét của “bức tranh về doanh nghiệp” trong những tháng cuối năm 2021. Tháng 11/2021 là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao nhất kể từ tháng 4/2021 (khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta).

Bước sang tháng 12/2021, tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng vẫn cho thấy sự phục hồi tích cực (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh thời gian qua đã có sự phục hồi ấn tượng. Trong tháng 12/2021, thành phố Hồ Chí Minh có 3.564 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này cũng cao hơn mức doanh nghiệp thành lập mới trung bình trong 01 tháng của năm 2020 (3.452 doanh nghiệp) và tiệm cận với số doanh nghiệp thành lập mới trung bình trong 01 tháng của năm 2019 tại thành phố này (3.731 doanh nghiệp).  

Số doanh nghiệp thành lập mới sau giãn cách tăng

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong tháng 12/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã có sự gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 12/2021 là 11.221 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 156.878 tỷ đồng, tăng 5% về số doanh nghiệp và giảm 56% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu so với tháng 8/2021 và tháng 9/2021 (thời điểm việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt nhất),số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2021 tăng lần lượt 94,8% và 187,8%; số vốn đăng ký mới tăng 130,9% và 151,3%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng 12/2021 cũng cao hơn mức trung bình của tháng 12 trong giai đoạn 2016-2020 (10.273 doanh nghiệp).

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021 số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong tháng tăng so với cùng kỳ năm 2020 (số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9/2021 giảm 62,2%; tháng 10/2021 giảm 32,5%; tháng 11/2021 giảm 9,1% và đến tháng 12/2021, con số này đã tăng trở lại, với mức tăng 5%).

Trong tháng 12/2021, 05/06 khu vực trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2020, gồm: Đông Nam Bộ (4.685 doanh nghiệp, tăng 7,4%); Tây Nguyên (341 doanh nghiệp, tăng 2,7%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.710 doanh nghiệp, tăng 11,0%); Đồng bằng sông Hồng (3.184 doanh nghiệp, tăng 4,2%) và Trung du và miền núi phía Bắc (521 doanh nghiệp, tăng 11,8%). Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm (780 doanh nghiệp, giảm 16,2%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2021 là 69.740 người, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Về doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tháng 12/2021 ghi nhận có 4.223 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng 27,3% so với tháng 9/2021.

37/63 địa phương có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 12/2021 tăng so với tháng 9/2021, trong đó các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đều có sự phục hồi: Đà Nẵng tăng 103,8%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 67%, Bình Dương tăng 51,1%, Đồng Nai tăng 17%, Hà Nội tăng 9,9%...

Cũng trong tháng 12/2021, cả nước có 13.945 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 3.011 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020; 9.057 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, đây là số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể cao nhất kể từ tháng 02/2019; 1.877 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm so với năm 2020

Tính chung cả năm 2021, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (quay trở lại hoạt động) trong năm 2021 là 159.955 doanh nghiệp (giảm 10,7% so với năm 2020), trong đó có: 116.839 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 13,4% so với năm 2020) và 43.116 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020). Trung bình mỗi tháng có 13.330 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Về doanh nghiệp thành lập mới, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp (đặc biệt là Quý III/2021) đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm qua. Trong năm 2021 có 116.839 doanh nghiệp ra đời, giảm 13,4% so với năm 2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Số vốn đăng ký thành lập trong năm 2021 cũng chỉ đạt 1.611.109 tỷ đồng, giảm 27,9% so với năm 2020.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2021 là 4.135.966 tỷ đồng (giảm 25,8% so với năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.611.109 tỷ đồng (giảm 27,9% so với năm 2020). Có 43.526 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong năm 2021 (tăng 10,3% so với năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.524.857 tỷ đồng (giảm 24,4% so với năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm 2020. Điều này phần nào cho thấy những khó khăn do dịch bệnh gây ra trong năm qua đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền, cùng với đó là tâm lý e ngại, thận trọng trong việc đầu tư các dự án kinh doanh mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 là 853.964 lao động, giảm 18,1% so với năm 2020.

Những tác động của tình hình dịch bệnh cũng thể hiện ở việc chỉ có 03/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với năm 2020 là: Kinh doanh bất động sản (tăng 12,9%); Vận tải kho bãi (tăng 8,8%); Thông tin và truyền thông (tăng 3,8%). Ở chiều ngược lại, có đến 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với năm 2020, chủ yếu là những ngành, nghề chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 79,2%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 25,6%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 24,3%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 23,0%) và Hoạt động dịch vụ khác (giảm 21,8%).

Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ có 40.249 doanh nghiệp (chiếm 34,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 15.049 doanh nghiệp (chiếm 12,9%); Xây dựng có 14.348 doanh nghiệp (chiếm 12,3%).

Phân theo địa bàn hoạt động, trong năm 2021, cả nước có 05/06 khu vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với năm 2020, gồm: Tây Nguyên (3.787 doanh nghiệp, giảm 21,9%); Đông Nam Bộ (43.857 doanh nghiệp, giảm 21,5%); Đồng bằng sông Cửu Long (8.313 doanh nghiệp, giảm 19,8%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (16.842 doanh nghiệp, giảm 9,6%); Đồng bằng sông Hồng (37.913 doanh nghiệp, giảm 4,6%). Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng (6.127 doanh nghiệp, tăng 10,8%).

Riêng Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đã có sự sụt giảm về cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập và số vốn đăng ký, cụ thể số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại địa phương này là 32.344, giảm 21,9%, số vốn đăng ký là 505.790 tỷ đồng, giảm 55,3% so với năm 2020.

Phân theo quy mô vốn, năm 2021 ghi nhận sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở quy mô vốn lớn từ 20 tỷ đồng trở lên, cụ thể: số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn trên 100 tỷ đồng là 1.981 doanh nghiệp (chiếm 1,7%, tăng 14,1%); từ 50 - 100 tỷ đồng là 1.909 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 8,3%) và ở quy mô từ 20 - 50 tỷ đồng là 4.105 doanh nghiệp (chiếm 3,5%, tăng 3,7%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng là 102.451 (chiếm 87,7%, giảm 14,6%),từ 10 - 20 tỷ đồng là 6.393 (chiếm 5,5%, giảm 14,8%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2021 là 43.116 doanh nghiệp, giảm 2,2% so với năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức trung bình 34.133 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong giai đoạn 2016-2020.

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong năm 2021 là: Bán buôn; bán lẻ (17.912 doanh nghiệp, chiếm 41,5%); Xây dựng (5.862 doanh nghiệp, chiếm 13,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (4.840 doanh nghiệp, chiếm 11,2%).

Tương tự tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm qua cũng chỉ tăng ở 03/17 lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ (17.912 doanh nghiệp, tăng 13%); Kinh doanh bất động sản (1.328 doanh nghiệp, tăng 12,8%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (322 doanh nghiệp, tăng 5,2%). Trong khi đó, có đến 14/17 lĩnh vực có sự sụt giảm: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (281 doanh nghiệp, giảm 34,3%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (536 doanh nghiệp, giảm 31,0%); Hoạt động dịch vụ khác (419 doanh nghiệp, giảm 21,4%) và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (332 doanh nghiệp, giảm 20%).

26/63 địa phương có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2021 tăng so với năm 2020, trong số đó có các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, cụ thể: Hà Nội tăng 7,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,1%; Bình Dương tăng 9,2%; Đồng Nai tăng 7,6%; Tiền Giang tăng 1,3%; Cần Thơ tăng 1,8%.

Về tình hình doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp trong nước, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ. Có 119.828 doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, giải thể trong năm 2021, tăng 17,8% so với năm 2020. Trong số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có tới 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (chiếm 45,9%), tức là chưa rời thị trường mà tiếp tục “đóng băng” doanh nghiệp, chờ đợi thời điểm thích hợp để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2021 có 31.659 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể (chiếm 26,4% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), giảm 2,6% so với năm 2020. Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (15.621 doanh nghiệp, tăng 13,2% so với năm ngoái, chiếm 28,4% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của cả nước).

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2021 là 54.960 doanh nghiệp, tăng 18% so với năm 2020. Nếu so sánh với giai đoạn 2016-2020 (với tỷ lệ tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trung bình là 25,9%) thì tỷ lệ này cơ bản không thay đổi.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ (20.267 doanh nghiệp, chiếm 36,9%); Xây dựng (7.603 doanh nghiệp, chiếm 13,8%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (6.558 doanh nghiệp, chiếm 11,9%).

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 49.533 doanh nghiệp (chiếm 90,1%, tăng 16,8% so với năm 2020). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 2.976 doanh nghiệp (chiếm 5,4%, tăng 29,6% so với năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 1.630 doanh nghiệp (chiếm 3,0%, tăng 34,6% so với năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 509 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, tăng 24,1% so với năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 312 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 20,0% so với năm 2020).

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 27.699 doanh nghiệp (chiếm 50,4%); 15.172 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 27,6%) và 12.089 doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 22%).

Trong năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 48.127 doanh nghiệp, tăng 27,8% so với năm 2020. So với năm 2020, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 16/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn; bán lẻ (17.178 doanh nghiệp, chiếm 35,7%); Xây dựng (6.218 doanh nghiệp, chiếm 12,9%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (5.794 doanh nghiệp, chiếm 12,0%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 5/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 43.425 doanh nghiệp (chiếm 90,2%, tăng 28,0% so với năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng có 2.276 doanh nghiệp (chiếm 4,7%, tăng 22,6% so với năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 1.320 doanh nghiệp (chiếm 2,7%, tăng 29,9% so với năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 552 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, tăng 25,5% so với năm 2020) và trên 100 tỷ đồng có 554 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, tăng 32,2% so với năm 2020).

Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong năm 2021 là 16.741 doanh nghiệp, giảm 4,1% so với năm 2020. Trong đó 05/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng cao so với năm 2020 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Khai khoáng và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 61,3%; 41,9% và 21,1%.

Trong năm 2021, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 10.567 doanh nghiệp (chiếm 63,1%); 3.362 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 20,1%) và 2.812 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 16,8%).

Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại giảm ở 04/05 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 14.825 doanh nghiệp (chiếm 88,6%, giảm 4,0% so với năm 2020). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 943 doanh nghiệp (chiếm 5,6%, giảm 7,8% so với năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 215 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 11,9% so với năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 211 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, giảm 20,7% so với năm 2020). Quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng có 547 doanh nghiệp (chiếm 3,3%, tăng 10,3% so với năm 2020),là quy mô vốn duy nhất có sự gia tăng so với năm 2020.

 PV.

Đăng ngày: 02/01/2022 , 14:46 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác