Kinh tế số và Thương mại điện tử là xu thế toàn cầu, không thể đảo ngược

Đăng ngày: 16/04/2021 , 06:37 GMT+7

Sáng ngày 15/4/2021, tại Hà Nôi, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Diễn đàn “Kinh tế số và Thương mại điện tử”. Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ những thông tin liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở ra các cơ hội và giải pháp mới cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua được các đại biểu nhất trí thông qua, trong đó khẳng định rõ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế tố, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của của CMCN 4.0 và cú huých tái bùng phát của đại dịch, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số. Theo dự báo của các chuyên gia, Chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.

Diễn đàn có sự tham dự của các đại biểu là các nhà khoa học, các đại diện cho cơ quan trung ương và địa phương, các hiệp hội, cơ quan thông tấn báo chí cùng đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số và thương mại điện tử.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc 

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, diễn giả TS Võ Trí Thành, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã giới thiệu những nội dung cơ bản, đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số; sự đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh, Chuyển đổi số doanh nghiệp là tổng hòa của 5 trụ cột: (1) Văn hóa và chiến lược kinh doanh số; (2) Gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng; (3) Tối ưu quy trình; (4) Công nghệ hóa; (5) Phân tích và quản lý dữ liệu. Đồng thời đưa ra 3 bài học cho chuyển đổi số doanh nghiệp thành công là Nghĩ lớn, làm cụ thể, quyết liệt từ việc nhỏ, có tính đổi mới, lan tỏa cao; Gắn bó sâu sắc chuyển đổi số với chiến lược phát triển doanh nghiệp và Lãnh đạo phải là người đi tiên phong.

Diễn giả GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cũng trao đổi về chuyển đổi số và kinh tế số: Những vấn đề của chuyển đổi số doanh nghiệp và chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với việc thực hiện chuyển đổi số. Theo quan điểm của ông thì môi trường số có 2 đặc điểm chính là Dữ liệu và Kết nối. Ông cũng khẳng định chuyển đổi số là bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cho rằng những thách thức cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số hiện nay là con người (năng lực số),pháp lý (hành lang pháp lý),công nghệ số (AI) và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số được chia thành 3 cấp độ là Số hóa – Khai thác – Chuyển đổi. Ông cũng đưa ra phương diện chiến lược của doanh nghiệp và 5 giai đoạn chuyển đổi số doanh nghiệp bao gồm:

1. Thu hẹp khoảng trống: giữa khách hàng và doanh nghiệp và với thay đổi hàng ngày trong môi trường kinh doanh.

2. Khám phá: Rào cản ẩn trong tổ chức, tài sản và tài nguyên hữu ích, và các ưu tiên trong chuyển đổi số

3. Lặp lại: Chu kỳ ngắn, thử nghiệm thực tế với người dùng và thúc đẩy những đổi mới có thể mở rộng.

4. Sử dụng đòn bẩy: Loại bỏ rào cản, tiếp cận nguồn lực lớn hơn, mở rộng ảnh hưởng, phạm vi hoạt động.

5. Mở rộng: Đổi mới và cách thức làm việc để thích nghi.

Phân tích sâu các bước thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp, ông cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp là người quyết đính ự thành bại của chuyển đổi số và cần xây dựng văn hóa só của doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia cũng có nhiều chia sẻ về các nội dung liên quan như ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương chia sẻ về nội dung Khung pháp lý và chính sách phát triển kinh tế số và thương mại điện tử ở Việt Nam: vấn đề và định hướng trong bối cảnh mới. TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI với tham luận về Thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Ông Phạm Nam Long, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Abivin có bài phát biểu về Chuyển đổi số ngành Kho vận để giảm chi phí Logistics.

Chương trình hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia. PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu kết thúc Hội thảo đã đánh giá cao các nội dung tham luận của các đại biểu tham dự và kỳ vọng vào sự thành công của các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới./.

PV.

Đăng ngày: 16/04/2021 , 06:37 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác