Doanh nhân Kiên Giang không ngừng phát triển, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường

Đăng ngày: 28/09/2021 , 11:39 GMT+7

Trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thành lập mới 12.077 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 149.437,1 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với giai đoạn 2001-2010. Đóng góp ngân sách nhà nước 371.200,516 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm chiếm 21,28% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có khoảng 11.000 doanh nhân là người đứng đầu doanh nghiệp; trong đó, 300 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội doanh nghiệp, 28 doanh nghiệp tham gia Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ, 90 hội viên tham gia Câu lạc bộ Nữ doanh nhân, 15 câu lạc bộ doanh nghiệp nữ cấp huyện với 208 thành viên… Trong đó, có 46 Đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân; 199 doanh nhân tham gia Hội đồng nhân dân các cấp (Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 04 doanh nhân; cấp huyện 40 doanh nhân; cấp xã 155 doanh nhân).

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị gặp mặt với các doanh nghiệp, doanh nhân (Ảnh: Linh Thảo)

Thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm công tác chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nhân phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng nhiều hình thức, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp; khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn, thu hút các nhà đầu tư đến Kiên Giang bằng các chính sách… Trong 10 năm, đã tổ chức 521 lớp đào tạo, bồi dưỡng; Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh tổ chức 30 cuộc đối thoại, hội thảo có gần 1.000 lượt doanh nghiệp tham dự, qua đó đã giải đáp những thắc mắc và đề ra những giải pháp tạo điều kiện cho doanh nhân mạnh dạn đầu tư ở Kiên Giang; đã cắt giảm thời gian ở một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh; giai đoạn 2016-2020 phát triển 6 cụm công nghiệp với diện tích 235 ha, đến nay đã có 24 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 6.700 tỷ đồng (gồm KCN Thạnh Lộc huyện Châu Thành và KCN Thuận Yên, thành phố Hà Tiên); thu hút các tập đoàn kinh tế lớn như: Vin Group, Sun Group, Bim Group, CEO Group, MIK Group, Milltol, nhà máy gỗ MDF, Công ty Bia Sài Gòn... đầu tư, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh thu hút được 811 dự án, với quy mô 40.631,54 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 535.471,72 tỷ đồng. Trong đó, có 374 dự án đi vào hoạt động, chiếm 45,78%/tổng số dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 63.796,90 tỷ đồng, chiếm 11,83%/tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, các chính sách an sinh xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với cộng đồng. Đẩy mạnh các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Tuần lễ doanh nghiệp”, tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 với chủ đề "Kiên Giang tiềm năng, cơ hội đầu tư và phát triển bền vững", tổ chức tiếp các đoàn nước ngoài đến làm việc, xúc tiến thương mại như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ… Qua đó, đã tổ chức 101 hội chợ thương mại, thu hút 130 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; tổ chức 02 cuộc hội nghị xúc tiến thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị “Năm Du lịch quốc gia 2016- Phú Quốc- Đồng bằng sông Cửu Long” với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 18 doanh nghiệp với 20 dự án, tổng vốn hơn 43.350 tỷ đồng. Ngoài ra, 25 doanh nghiệp ký cam kết đầu tư vào 35 dự án tại địa phương, với tổng vốn hơn 150 nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD…

Từ sau khi thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 09-NQ/TW), doanh nghiệp, doanh nhân ở tỉnh Kiên Giang phát triển nhanh về quy mô, số lượng, chất lượng; nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ bản lĩnh, năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Hàng năm, thông qua ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) tỉnh tổ chức gặp mặt, tôn vinh, biểu dương, đồng thời đề cử các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh. Đã có 10 doanh nghiệp đạt giải cúp “Thương hiệu quốc gia”, “Doanh nhân tâm tài”; danh hiệu “Văn minh thương mại vì người tiêu dùng Việt Nam”, “Thương hiệu vàng”; cúp vàng “Vì sự phát triển cộng đồng”, “Giám đốc tài năng”; “Sản phẩm Việt hợp chuẩn WTO về sở hữu trí tuệ” do Cục Quản lý cạnh tranh, Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng và Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam trao tặng. Đã kịp thời khen thưởng cho 1.351 doanh nghiệp, 566 doanh nhân tiêu biểu (trong đó, UBND tỉnh tặng 661 bằng khen, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tặng 103 bằng khen cho doanh nhân tiêu biểu). Thường xuyên tạo điều kiện giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhân các sự kiện.

Với môi trường thuận lợi, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn Kiên Giang để đầu tư và phát triển (Ảnh: Linh Thảo)

Hiện nay, đa số các doanh nhân của tỉnh đều có ý thức chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tích cực thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, tham gia các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện tốt hoạt động vì cộng đồng, đồng hành cùng với địa phương hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội trên 4.000 tỷ đồng, hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trên 219 tỷ đồng, ủng hộ đồng bào Miền Trung bị thiên tai, lũ lụt trên 75 tỷ đồng và giải quyết nhiều việc làm cho địa phương,… góp phần tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển chung của tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành nên đội ngũ doanh nhân mới ngày càng năng động và kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế, khó khăn: Tình trạng gây phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành nhưng chậm thực hiện; một bộ phận doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vốn, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách đất đai,… chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh; còn tình trạng doanh nghiệp chấp hành pháp luật chưa nghiêm, thành lập tổ chức công đoàn còn thấp;… Và đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay đã gây ra nhiều bất lợi trong hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp.

Theo nhận định, thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ hội, thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Được hưởng các chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; các chính sách khuyến khích đầu tư; khai thác các lợi thế của tỉnh về nguồn lực lao động dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tiềm năng phát triển kinh tế biển, du lịch; tiếp cận với các tiến bộ khoa học công nghệ mới, mở rộng thị trường, đối tác kinh doanh… Tuy nhiên cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức từ sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cùng với đại dịch Covid-19, đã, đang và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp. Cho nên, với mục tiêu phấn đấu tăng bình quân từ 10%/ năm số lượng doanh nhân của tỉnh, 30-50 doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, trên 20 doanh nghiệp đạt tầm cỡ Châu Á và quốc tế, thì các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Tiếp tục rà soát, vận dụng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào, cuộc vận động khác do Đảng và Nhà nước phát động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”,... Quan tâm tổ chức các cuộc gặp mặt biểu dương, tôn vinh, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân; xây dựng hình ảnh doanh nhân trong thời kỳ mới- bản lĩnh, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, quan tâm đến người lao động và có trách nhiệm với cộng đồng.

Trần Quốc Giang

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang)

Đăng ngày: 28/09/2021 , 11:39 GMT+7

Tin liên quan