Tình hình đăng ký doanh nghiệp 02 tháng đầu năm 2021

Đăng ngày: 10/03/2021 , 16:00 GMT+7
Thời gian qua, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì đà phục hồi, với nhiều dấu hiệu khởi sắc. Từ cuối tháng 01 năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, số lượng người lây nhiễm khá lớn, đã khiến cho tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương bị ảnh hưởng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh đó, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đã chủ động triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh lây lan và dập sớm các ổ dịch. Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư),những thông tin tích cực từ đầu năm cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi lớn của lĩnh vực công nghệ trên thế giới. Do vậy, mặc dù có sự sụt giảm về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2021 vẫn có những tín hiệu tích cực.

Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Doanh nghiệp thành lập mới

Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới trong 02 tháng đầu năm 2021 là 18.129 doanh nghiệp, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 02 tháng đầu năm 2021 là 720.407 tỷ đồng (tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020),bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 334.821 tỷ đồng (tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2020) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 385.586 tỷ đồng (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2020) với 6.522 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 02 tháng đầu năm 2021 đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 02 tháng đầu năm  là 172.844 lao động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Phân theo lĩnh vực hoạt động: Có 11/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, các lĩnh vực có mức tăng mạnh là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 294 doanh nghiệp (tăng 60,7%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 139 doanh nghiệp (tăng 39%); Kinh doanh bất động sản có 1.057 doanh nghiệp (tăng 33,6%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 316 doanh nghiệp (tăng 19,2%) và Khai khoáng có 94 doanh nghiệp (tăng 19%).

Sự tăng trưởng với tỉ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu. Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro và nhiều tiềm năng hơn, như lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhờ các hiệp định thương mại tự do và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất trên thế giới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Ngay từ tháng đầu năm, nhiều lô hàng nông, thủy sản đã xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore… Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng ở hầu hết các ngành hàng trong năm 2021 bởi các hiệp định thương mại tự do đã ký như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) sẽ mang đến những cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản nhờ các lợi thế về thuế quan.

Ở chiều ngược lại, các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 11,2%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 9,3%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 6,8%); Giáo dục và đào tạo (giảm 0,6%).

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, năng lực sản xuất, khả năng cung cấp của các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng quá lớn, các nhu cầu tiêu dùng thiếu yếu vẫn được duy trì. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực tiêu dùng hàng cao cấp và ngành dịch vụ. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các giải pháp khôi phục thị trường trong nước, đặc biệt là các chính sách, biện pháp kích cầu có hiệu quả, bởi thị trường nội địa với gần 100 triệu dân chính là cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi, là động lực chính cho sản xuất, phát triển kinh tế.

Phân theo địa bàn: Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 6.973 doanh nghiệp (chiếm 38,5% cả nước) và số vốn đăng ký là 178.932 tỷ đồng (chiếm 53,4% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 5.591 doanh nghiệp (chiếm 30,8% cả nước) và số vốn đăng ký là 65.659 tỷ đồng (chiếm 19,6% cả nước). Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Bắc Giang tăng 21,6% về số doanh nghiệp, tăng 551,5% về số vốn và 627,4% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020. Đây là những tác động tích cực sau khi dự án đầu tư sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD của Foxconn được UBND tỉnh Bắc Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 01/2021. Foxconn dự kiến sẽ đầu tư thêm 700 triệu USD và tuyển 10.000 lao động mới tại Việt Nam trong năm 2021.

Phân theo quy mô vốn: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở tất cả các quy mô. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 15.864 doanh nghiệp (chiếm 87,5%, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 1.092 doanh nghiệp (chiếm 6%, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng là 565 doanh nghiệp (chiếm 3,1%, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng là 287 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 321 doanh nghiệp (chiếm 1,8%, tăng 52,9% so với cùng kỳ năm 2020).

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 02 tháng đầu năm 2021 là 11.033 doanh nghiệp, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 02 tháng đầu năm 2021 giảm ở 12/17 lĩnh vực, trong đó, chủ yếu là các ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (90 doanh nghiệp, chiếm 0,8%, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020); Giáo dục và đào tạo (196 doanh nghiệp, chiếm 1,8%, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2020); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (486 doanh nghiệp, chiếm 4,4%, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2020); Khai khoáng (94 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2020); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (160 doanh nghiệp, chiếm 1,5%, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020); Vận tải kho bãi (574 doanh nghiệp, chiếm 5,2%, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2020); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (3.954 doanh nghiệp, chiếm 35,8%, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2020); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (721 doanh nghiệp, chiếm 6,5%, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2020); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (582 doanh nghiệp, chiếm 5,3%, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2020); Xây dựng (1.760 doanh nghiệp, chiếm 16%, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong 02 tháng đầu năm 2021, có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 02 tháng đầu năm 2021 là 21.636 doanh nghiệp, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 02/2021 tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Giáo dục và đào tạo (468 doanh nghiệp, tăng 78,6%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.242 doanh nghiệp, tăng 66,3%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.352 doanh nghiệp, tăng 50,4%); Kinh doanh bất động sản (631 doanh nghiệp, tăng 49,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (155 doanh nghiệp, tăng 49%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.450 doanh nghiệp, tăng 39,3%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (333 doanh nghiệp, tăng 31,1%); Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (7.878 doanh nghiệp, tăng 28,9%); Xây dựng (3.013 doanh nghiệp, tăng 28,3%); Hoạt động dịch vụ khác (262 doanh nghiệp, tăng 26,6%) và Vận tải kho bãi (1.211 doanh nghiệp, tăng 24,6%). Có thể thấy, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác. Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ, gần 42% doanh nghiệp đang chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.

Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 7.385 doanh nghiệp (chiếm 34,1%, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2020); tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng với 6.909 doanh nghiệp (chiếm 31,9% cả nước, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020).

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng ở tất cả quy mô vốn, trong đó, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 19.885 doanh nghiệp (chiếm 91,9%, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 986 doanh nghiệp (chiếm 4,6%, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 481 doanh nghiệp (chiếm 2,2%, tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 162 doanh nghiệp (chiếm 0,7%, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 122 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2020).

Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể

Trong 02 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 8.380 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể giảm ở 12/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (3.124 doanh nghiệp, chiếm 37,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.001 doanh nghiệp, chiếm 11,9%); Xây dựng (808 doanh nghiệp, chiếm 9,6%).

Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất (3.671 doanh nghiệp, chiếm 43,8%); tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng (1.723 doanh nghiệp, chiếm 20,6%) và khu vực Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.266 doanh nghiệp, chiếm 15,1%).

Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chờ giải thể giảm ở tất cả các quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 7.553 doanh nghiệp (chiếm 90,1%, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng có 422 doanh nghiệp (chiếm 5%, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 212 doanh nghiệp (chiếm 2,5%, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 97 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm 2020) và trên 100 tỷ đồng có 96 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2021 là 3.595 doanh nghiệp, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020. Phân theo ngành, 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Vận tải kho bãi và Khai khoáng với tỷ lệ tăng lần lượt là 220%; 53,2% và 50%.

Phân theo vùng lãnh thổ, tất cả các vùng đều có số lượng doanh nghiệp giải thể trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Đông Nam Bộ (1.385 doanh nghiệp, tăng 15,5%),Đồng bằng sông Hồng (932 doanh nghiệp, tăng 31,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (581 doanh nghiệp, tăng 45,3%); Đồng bằng sông Cửu Long (372 doanh nghiệp, tăng 29,2%);Trung du và miền núi phía Bắc (202 doanh nghiệp, tăng 56,6%) và Tây Nguyên (123 doanh nghiệp, tăng 50%).

Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng ở 4/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 3.235 doanh nghiệp (chiếm 90%, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 175 doanh nghiệp (chiếm 4,9%, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 108 doanh nghiệp (chiếm 3%, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 40 doanh nghiệp (chiếm 1,1%, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 37 doanh nghiệp (chiếm 1%, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2020). Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.

PV.

Đăng ngày: 10/03/2021 , 16:00 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác