Thực hiện tốt công tác thuế đảm bảo ngân sách nhà nước đạt dự toán đề ra

Đăng ngày: 07/06/2022 , 20:51 GMT+7

Tình hình kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thuế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong 5 tháng đầu năm.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt và rõ nét đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Một số chỉ tiêu thống kê cho thấy kết quả tăng trưởng tích cực: (1) Tổng mức bán lẻ tháng 5 tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ; (2) Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tăng 8,3% so với cùng kỳ; Giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN ước đạt 147,8 nghìn tỷ, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%...

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý tháng 5 đạt 99.100 tỷ đồng, bằng 8,4% dự toán, tăng12,5% so với cùng kỳ. Tính chung lũy kế 5 tháng 2022, tổng thu ngành Thuế quản lý đạt 672.878 tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Trong đó riêng số thu nội địa đạt 643.439 tỷ đồng, bằng 56,1% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Số thu ngân sách trung ương lũy kế 5 tháng đạt 57,9% dự toán, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Thu NSĐP đạt 56,8% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong tháng 5, Tổng cục Thuế đã hoàn thành trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định gồm: Nghị định số 32 ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 34/NĐ-TT ngày 28/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Ngay sau khi Chính phủ ban hành 2 Nghị định, Tổng cục cũng đã có Công điện số 06 và Công điện số 07 chỉ đạo các Cục Thuế, các Vụ, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện, kịp thời phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ cho người nộp thuế.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Để triển khai thực hiện chiến lược, Tổng cục Thuế đã kịp thời chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hành động, Kế hoạch thực hiện 5 năm và các Đề án nhánh triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Ngày 23/5/2022, đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các đơn vị liên quan, để hoàn thiện trình Bộ ban hành.

Về việc triển khai hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo, đôn đốc các Cục Thuế triển khai quyết liệt việc áp dụng hóa đơn điện tử theo tiến độ kế hoạch đề ra. Tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả triển khai Hóa đơn điện tử trên toàn quốc.

Tính đến hết ngày 31/5/2022, số lượng doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng hóa đơn đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 97,9%; nhiều địa phương triển khai đạt tỷ lệ hoàn thành trên 90%, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, tất cả các địa phương triển khai giai đoạn 2 đều đạt tỷ lệ hoàn thành trên 90% (đạt và vượt mục tiêu, lộ trình đề ra khi triển khai là đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90%),  Đặc biệt, có nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ hoàn thành ở mức 99%.

Về công tác quản lý nợ thuế, trong tháng 5, tập trung chỉ đạo các Cục Thuế thực hiện các biện pháp thu nợ và xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội để giảm nợ thuế. Ngày 13/5/2022, Tổng cục Thuế đã tổ chức họp Ban chỉ đạo xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp để bàn các giải pháp, chỉ đạo xây dựng báo cáo sơ kết đánh giá kết quả thực hiện để tổ chức Hội nghị sơ kết toàn quốc.

Trong tháng 5/2022, Tổng cục cũng đã tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các nhóm công việc như sau:

Thứ nhất, xây dựng các phương án đánh giá thu năm 2022, dự toán thu NSNN năm 2023 và 3 năm 2023-2025 để báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ.

Thứ hai, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2022 đã phê duyệt và chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống gian lận hoàn thuế GTGT đẩy nhanh tiến độ triển khai thanh, kiểm tra đối với các DN có rủi ro cao về hoàn thuế thuộc chuyên đề hoàn thuế GTGT năm 2022.

Triển khai kế hoạch kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo kế hoạch phê duyệt. Chỉ đạo Cục Thuế các địa phương rà soát, tăng cường quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe ô tô, xe máy không nhằm mục đích thương mại.

Thứ ba, tiếp tục triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho NNT thông qua việc mở rộng ứng dụng eTax trên nền tảng Web sang ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile),tạo thuận lợi khi tra cứu các thông tin về nghĩa vụ thuế, đăng ký mã số thuế, nhận thông báo thuế, nộp thuế điện tử thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng và sử dụng các tiện ích khác.

Thống kê sơ bộ, đến nay, đã có gần 60.000 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, với trên 49.000 tài khoản đăng ký giao dịch với tổng số trên 29.000 giao dịch qua NHTM, tổng số tiền trên 190 tỷ đồng.

Thứ tư, làm việc với các nhà cung cấp nước nước ngoài để giải đáp các vướng mắc và hướng dẫn, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện kê khai, nộp thuế, tra cứu thông tin hồ sơ khai thuế, khi phát sinh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, tiếp nhận thông tin mã số định danh cá nhân phục vụ việc rà soát, chuẩn hóa thông tin người nộp thuế trên hệ thống quản lý cơ quan thuế.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn những biểu hiện bất thường, trong khi xung đột Nga - Ukraina vẫn diễn biến căng thẳng, đồng thời, giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao đã có những tác động đến nguồn thu từ dầu thô 5 tháng đầu năm 2022 sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Điều này có thể nhận thấy rõ ở một số ngành như sản xuất ôtô đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ngành du lịch đang dần phục hồi nhưng nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt và số thu ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách tháng 6 cũng như cả năm 2022, Tổng cục Thuế đã yêu cầu, các vụ đơn vị chức năng khẩn trương phối hợp với các địa phương để rà soát, nắm bắt nguồn thu; phân tích, đánh giá kỹ tác động của các gói chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đến công tác thu ngân sách để xây dựng kịch bản thu chi tiết theo từng tháng đến từng khu vực, khoản thu, sắc thuế và tham mưu cho Tổng cục Thuế phương án điều hành thu NSNN phù hợp.

Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị cần khẩn đẩy nhanh thực hiện công tác thanh, kiểm tra nhất là đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để từ đó tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, dễ quản lý cho cơ quan thuế và dễ thực hiện cho người nộp thuế và tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới người nộp thuế để người nộp thuế biết, hiểu và thực hiện đúng các quy định về thuế.

PV.

Đăng ngày: 07/06/2022 , 20:51 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác