Anh Nguyễn Văn Trung về công tác tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh từ năm 2007. Khi đó, Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh tổ chức đào tạo các chức danh vận hành để chuẩn bị sẵn sàng cho tổ máy đầu tiên chuẩn bị đi vào vận hành. Được Công ty cử đi học tập, đào tạo thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, anh Nguyễn Văn Trung nhận thấy công nghệ của nhà máy nhiệt điện rất phức tạp, đòi hỏi nhiều chuyên môn khác nhau, đặc biệt đối với lĩnh vực vận hành điện - đo lường – điều khiển là chuyên môn của anh Trung thì ngoài việc cần có kiến thức chuyên sâu, hiểu biết rộng còn đòi hỏi sự tìm tòi, cẩn thận, tin cậy.
Anh Nguyễn Văn Trung tâm huyết với công tác biên soạn hệ thống quy trình vận hành
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo cơ bản tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, anh quay về Công ty để tham gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh do Nhà thầu Tập đoàn Điện khí Thượng Hải bàn giao. Trong quá trình tiếp nhận công nghệ, anh Trung càng nhận thức rõ để đáp ứng tiêu chí Tập đoàn điện lực Việt Nam đặt ra vận hành “an toàn - liên tục - kinh tế” thì yếu tố con người vô cùng quan trọng để hoàn thành các mục tiêu này. Khi ấy tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đa số lực lượng nhân viên vận hành trực tiếp đều là lao động trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong công tác vận hành. Anh đã nhận thấy trách nhiệm của mình là phải đi nhanh, đi trước trong học tập, tìm hiểu công nghệ, quy trình vận hành của Nhà máy để có thể hướng dẫn, kèm cặp cho các anh em đồng nghiệp.
Xây dựng hệ thống quy trình vận hành
Trong thời gian làm công nhân trực tiếp vận hành, để đảm bảo vận hành thiết bị an toàn, tin cậy, anh Nguyễn Văn Trung đã chủ động học tập, nghiên cứu các bản vẽ, sơ đồ hệ thống từ đó so sánh với thực tế xem có sai khác, đảm bảo công tác thao tác chính xác, đồng thời nghiên cứu kỹ các Quy trình an toàn điện, Quy trình thao tác, các tài liệu vận hành… do Nhà thầu chuyển giao, cùng các tài liệu khác liên quan, để hiểu rõ đặc tính, thông số của thiết bị, vấn đề nào chưa hiểu trao đổi ngay với Lãnh đạo, đồng nghiệp để làm rõ, từ đó làm căn cứ vận hành thiết bị. Với nền tảng kiến thức chuyên ngành vững vàng cùng kinh nghiệm dày dạn, anh Trung được công nhận chức danh kỹ thuật viên vận hành điện, chịu trách nhiệm quản lý kỹ thuật và tham mưu cho Lãnh đạo phân xưởng về công tác vận hành, sửa chữa điện. Ở vị trí này, anh đã nhận thấy cần phải thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm đó là hoàn thiện Hệ thống quy trình vận hành thiết bị và lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng cho hệ thống, thiết bị.
Bắt tay vào công tác soạn thảo các quy trình vận hành thiết bị, anh Nguyễn Văn Trung xác định mục tiêu đặt ra làm sao bản quy trình phải dễ hiểu, ngắn gọn, đủ thông tin, dữ liệu và làm căn cứ để vận hành. Do Nhiệt điện Quảng Ninh là nhà máy mới xây dựng, anh Trung đã phải nghiên cứu nhiêu nguồn tài liệu khác nhau để xây dựng quy trình, như tham khảo tài liệu Quy trình vận hành của các nhà máy trong ngành, tài liệu vận hành máy phát, máy biến áp của Trung tâm đào tạo nâng cao Đại học Điện Lực, tài liệu vận hành và bảo dưỡng do nhà thầu Tập đoàn điện khí Thượng Hải chuyển giao, đặc biệt là tài liệu của nhà sản xuất thiết bị máy phát, máy biến áp…
Tất cả các kiến thức này tổng hợp lại, anh cùng với Ban quản đốc và các đồng nghiệp đã xây dựng xây dựng Bộ quy trình vận hành gồm 59 quyển, đầy đủ cho tất cả các vị trí, chức danh vận hành và nội dung bao quát từ nguyên lý chung, cấu tạo của thiết bị, để người vận hành có cái nhìn tổng quan, hiểu được cơ bản thiết bị mà mình sẽ quản lý vận hành; thông số kỹ thuật, quy định các thông số vận hành, phần này giúp người vận hành nắm rõ được thông số, đặc tính của thiết bị; hướng dẫn xử lý một số sự cố thường gặp, mục đích giúp người vận hành có thể xử lý kịp thời một số sự cố cơ bản người vận hành hiểu rõ về chu kỳ bảo dưỡng, thí nghiệm, từ đó chăm sóc thiết bị tốt hơn...
Cùng với đó, trăn trở với tình trạng vận hành hệ thống điện trong môi trường khắc nghiệt như bụi do gần mỏ than, hơi mặn do gần biển và một số thiết bị lắp đặt chưa phù hợp của Nhà máy qua một số sự cố trong quá trình vận hành, tôi nhận thấy rằng cần thiết phải xây dựng tài liệu làm căn cứ để người quản lý vận hành đưa thiết bị ra bảo dưỡng phòng ngừa, đơn vị sửa chữa có cơ sở để xây dựng quy trình bảo dưỡng hệ thống, thiết bị… Từ đó, anh Nguyễn Văn Trung tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu về toàn bộ thiết bị điện, đo lường – điều khiển trong nhà máy về công tác bảo dưỡng, thí nghiệm, hiệu chỉnh, các quy phạm về điện, kết hợp với việc khảo sát, đánh giá môi trường, chế độ làm việc, vai trò của thiết đó trong hệ thống. Anh chủ trì cùng các đồng nghiệp đã xây dựng Quy định bảo dưỡng thường xuyên thiết bị điện, đo lường – điều khiển hoàn thiện cho đơn vị. Trong quá trình xây dựng có nhiều khó khăn do một số hệ thống, thiết bị, với tài liệu do Nhà thầu cung cấp chưa đủ để kiểm soát hoàn toàn, vì vậy anh Trung và các anh em phải sưu tập, tìm hiểu thêm tài liệu về các hãng khác có công nghệ tương đồng, đồng thời tỉ mỉ thực hiện thực nghiệm, so sánh đối chiếu với thiết bị, công nghệ thực tế của Nhà máy mới có thể hoàn thiện được 1 bản quy trình bảo dưỡng có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, giúp cho người vận hành chủ động thực hiện công việc bảo dưỡng phòng ngừa cũng như hỗ trợ hiệu quả cho đơn vị sửa chữa thiết bị.
Từ năm 2011, anh Trung được bổ nhiệm chức danh Phó quản đốc, với trách nhiệm quản lý trực tiếp công tác vận hành điện, đo lường – điều khiển, ngoài việc tiếp tục tìm hiểu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, anh còn trau dồi thêm kỹ năng quản lý nhân lực, công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Công ty, với phương châm: luôn nghiên cứu, học tập để ứng dụng kịp thời sự phát triển của công nghệ.
Theo yêu cầu của Tập đoàn điện lực Việt Nam về việc xây dựng, áp dụng hình thức bảo dưỡng thiết bị theo độ tin cậy (RCM) cho một số hệ thống trong nhà máy nhiệt điện, anh Trung đã chủ động nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn do Tổng công ty Phát điện 1 cung cấp, đồng thời tham gia đầy đủ các đào tạo về RCM, từ đó phối hợp với các bộ phận trong Công ty xây dựng các hệ thống theo quy định đáp ứng tiến độ đề ra. Trên cơ sở một số tiêu chí của hệ thống RCM, từ năm 2019, anh Trung đã chỉ đạo lực lượng kỹ thuật viên, chuyên viên trong Phân xưởng Vận hành phối hợp với Phòng kỹ thuật chuẩn hóa lại Kế hoạch sửa chữa lớn hàng năm dựa trên cơ sở kiểm tra đánh giá tổng thể hệ thống trong dây chuyền sản xuất. Trong đó các anh đã mạnh dạn đề xuất một số hạng mục thiết bị chuyển từ sửa chữa lớn sang tự thực hiện công tác bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên vào thời gian đại tu tổ máy Công ty, được Công ty ghi nhận là sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm cho Công ty.
Đào tạo, kèm cặp nhân viên vận hành
Đặc thù của vận hành Nhà máy điện là tất cả các vị trí chức danh vận hành, thiết bị đều có quan hệ mật thiết với nhau, bất kỳ một vị trí trực nào sơ suất đều có thể gây nguy cơ sự cố, hưởng trực tiếp vận hành Tổ máy. Bởi vậy, anh Trung xác định để đạt được kết quả bền vững trong công việc của phân xưởng và toàn Công ty thì cần có sự kết hợp của cả hệ thống, riêng lẻ một cá nhân hay một nhóm nhỏ con người sẽ không thực hiện được, vì vậy công tác đào tạo, kèm cặp lẫn nhau rất quan trọng để xây dựng một lực lượng vận hành có trình độ, kinh nghiệm và ý thức kỷ luật tốt.
Anh Nguyễn Văn Trung trao đổi kinh nghiệm cùng các kỹ thuật viên
Anh Trung cùng Ban quản đốc đã xây dựng chương trình đào tạo với mục tiêu đề ra là mỗi người nhân viên vận hành đều nhận thấy sự cần thiết phải chủ động học tập, không có trường lớp nào có thể đào tạo được cho công tác vận hành nhà máy, chủ yếu dựa vào công tác tự đào tạo là chính.
Sử dụng hiệu quả thời gian học tập (ngày H) của lịch đi ca, anh Trung đã cùng các trưởng kíp định kỳ kiểm điểm các tồn tại trong tháng, từ đó cùng phân tích để tất cả cùng hiểu rõ vấn đề, thấy được các hậu quả, rủi do của những tồn tại này, rút kinh nghiệm không để lặp lại, đề ra các mục tiêu phấn đấu cho các tháng tiếp theo. Công tác đào tạo các vị trí vận hành được anh cùng Ban quản đốc phân xưởng và kỹ thuật viên thực hiện bài bản: chuẩn bị tài liệu, bản vẽ, quy trình, quy phạm liên quan đến hệ thống cần đào tạo, trong buổi đào tạo sẽ giảng giải, trao đổi, hướng dẫn các chức danh cách đọc bản vẽ, ý nghĩa các quy định, thông số vận hành… cách xử lý tình huống khi xảy ra lỗi thiết bị, kết hợp giữa đào tạo về lý thuyết và thực tế tại thiết bị, để người vận hành dễ hiểu hơn. Trong đợt bình xét giảng viên nội bộ của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh vừa qua, anh Nguyễn Văn Trung - Phó Quản đốc Phân xưởng Vận hành được đánh giá là Giảng viên nội bộ xuất sắc với Chương trình đào tạo trưởng ca.
Đối với kỹ thuật viên, chuyên viên, anh Nguyễn Văn Trung cũng có chương trình đào tạo, kèm cặp thường xuyên: định kỳ thứ hai hàng tuần, căn cứ tình trạng vận hành các hệ thống, anh Trung sẽ tổng hợp các tồn tại về an toàn, thiết bị, các vấn đề cần thiết phải nghiên cứu, tìm hiểu thêm để nắm rõ mỗi thiết bị, hệ thống trong phạm vi quản lý, theo dõi của từng kỹ thuật viên, chuyên viên, sau đó trao đổi, giao nhiệm vụ cho từng người để thực hiện. Trong quá trình giải quyết các công việc này, nếu có vướng mắc sẽ trao đổi, cho ý kiến xử lý ngay, đảm bảo việc tất cả các kỹ thuật viên, chuyên viên theo từng mảng, nhưng mục tiêu, phương hướng là đồng bộ.
Với sự tận tâm, gương mẫu, dẫn dắt đơn vị hoàn thành tốt nhiệm, trong những năm qua, anh Nguyễn Văn Trung liên tục được các cấp ghi nhận và khen thưởng. Năm 2020, 2021 và 2022, anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được tặng Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Phát điện 1. Năm 2022, anh được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhìn lại quá trình công tác, niềm vui và tự hào lớn nhất đối với anh Nguyễn Văn Trung chính là nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt của lực lượng vận hành viên trong đơn vị. Hưởng ứng phong trào học tập chủ động, anh Trung và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục không ngừng học tập để góp phần đưa Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh trở thành đơn vị phát điện hàng đầu trong Tổng công ty Phát điện 1 và Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Nguyễn Nga