Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, “chìa khóa” cho nhiều doanh nghiệp thành công chính là chuyển đổi áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, đi cùng với sự nỗ lực cải tiến không ngừng dựa trên đầu tư có hiệu quả về nguồn nhân lực và công nghệ mới. Để bắt nhịp được xu thế toàn cầu, hơn bao giờ hết cộng đồng doanh nghiệp rất cần đến sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia, trong đó có chuyên gia năng suất có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng. Vì vậy, việc chứng nhận chuyên gia năng suất một cách bài bản nhằm xây dựng mạng lưới chuyên gia năng suất nòng cốt được chứng nhận mang tầm khu vực và quốc tế ngày càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên may các sản phẩm áo sơ mi, quần jeans, quần âu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Đòi hỏi khách quan để phát triển và hội nhập
Ngày 4/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07-CT/TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, trong đó yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á (APO),nhất là dự án Chứng nhận chuyên gia năng suất... Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất là một trong các chương trình chứng nhận năng lực cá nhân của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), nhằm thể hiện những nỗ lực hợp tác liên tục của APO với Tổ chức năng suất quốc gia (NPOs) trong việc xây dựng mạng lưới các chuyên gia năng suất trong toàn khu vực.
APO gồm 21 quốc gia thành viên cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong việc thúc đẩy năng suất trên tinh thần hợp tác lẫn nhau bằng cách chia sẻ kiến thức, thông tin, kinh nghiệm và phối hợp với APO thông qua các tổ chức năng suất quốc gia (NPO) được chỉ định. APO đóng vai trò làm chủ chương trình, công nhận các Tổ chức năng suất hoặc các tổ chức khác là Tổ chức chứng nhận khi thực hiện các chương trình chứng nhận năng lực cá nhân.
Tại Việt Nam, Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) đã tham gia dự án và được APO lựa chọn là 1 trong 2 đại diện cho NPOs (cùng với Malaysia) để đào tạo và hướng dẫn các thủ tục đáp ứng yêu cầu của APO đối với Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất. Theo đó, việc nghiên cứu xây dựng Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất đáp ứng chuẩn mực của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc từng bước hình thành mạng lưới chuyên gia năng suất trong nước và khu vực được chứng nhận theo chuẩn mực của APO. Việc có tổ chức chứng nhận chuyên gia là đòi hỏi khách quan của nền kinh tế và phát triển doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu cụ thể của Chương trình năng suất, chất lượng quốc gia về xây dựng đội ngũ chuyên gia năng suất, chất lượng được đào tạo bài bản, có đầy đủ năng lực, kỹ năng thực hiện, có đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo tin cậy và được chứng nhận mang tầm khu vực và quốc tế.
Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) đã khởi động Dự án phát triển năng lực Cơ quan chứng nhận chuyên gia cải tiến năng suất nhằm đạt khả năng đào tạo và chứng nhận chuyên gia năng suất quốc tế để được APO công nhận là một tổ chức đi đầu trong phong trào năng suất quốc gia tại Việt Nam. VNPI sẽ triển khai các hoạt động và phát triển năng lực để trở thành một tổ chức chứng nhận và vận hành theo chương trình chứng nhận APO. Dự án sau khi triển khai hứa hẹn góp phần nâng cao năng lực tư vấn, đào tạo cho các chuyên gia cải tiến năng suất trong nước, đồng thời phát triển mạng lưới chuyên gia cải tiến năng suất được đào tạo bài bản, có đầy đủ năng lực, tính tin cậy và được chứng nhận mang tầm khu vực và thế giới, ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.
Việt Nam có tổ chức chứng nhận chuyên gia
Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Giai đoạn từ năm 2026-2030 nâng cấp Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia thành Tổ chức chứng nhận chuyên gia có pháp nhân độc lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời thúc đẩy các hoạt động chứng nhận năng lực cá nhân trong các lĩnh vực được công nhận bởi APO như: Chuyên gia năng suất; chuyên gia năng suất xanh; chuyên gia năng suất trong lĩnh vực công… và các tổ chức công nhận khác; phát triển mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế được chứng nhận theo Chương trình công nhận của APO-AB và các tổ chức công nhận khác; mở rộng các dịch vụ đánh giá, ghi nhận các mô hình thực hành tốt về cải tiến năng suất tại các tổ chức, doanh nghiệp…
Ông Achmad Kurnia Prawira Mochtan, Tổng thư ký APO cho biết, thời gian qua, VNPI được đánh giá là tổ chức đi đầu trong phong trào năng suất quốc gia tại Việt Nam. Với mong muốn nâng cao năng lực và uy tín của VNPI tại các quốc gia thành viên của APO, Viện Năng suất Việt Nam từ một nhà cung cấp đào tạo đơn thuần, APO sẽ hỗ trợ để VNPI được công nhận là Tổ chức chứng nhận APO tại các quốc gia thành viên. Hy vọng VNPI có thể được công nhận vào năm 2021 và có thể chứng nhận các chuyên gia năng suất địa phương tại Việt Nam, cũng như từ các quốc gia thành viên APO khác. APO cũng cam kết ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất, trong đó có phát triển nguồn năng lực chuyên gia năng suất cho Việt Nam.
Ông Achmad Kurnia Prawira Mochtan, chuyên gia năng suất có được Chứng nhận APO-VNPI chia sẻ: Có được chứng nhận giúp cải thiện triển vọng nghề nghiệp và kinh doanh; sử dụng logo chứng nhận ủy quyền trên các tài liệu kinh doanh; niêm yết trong sổ đăng ký trực tuyến công khai của VNPI; kết nối với những người được chứng nhận khác trong mạng lưới chuyên gia năng suất; có cơ hội tham gia các nhiệm vụ, hội nghị quốc tế và các sự kiện khác của APO; được cam kết liên tục cập nhật, phát triển chuyên môn...
Việt Nam sẽ có khoảng 200 chuyên gia năng suất đạt trình độ khu vực và quốc tế
Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1322/QĐ-Tg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 200 chuyên gia năng suất được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, Chính phủ tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng với các nhiệm vụ như: Xây dựng, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định; Mở rộng đào tạo đội ngũ giảng viên năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo của Tổ chức Năng suất Châu Á và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực...
Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng với mục tiêu: Giai đoạn 2021-2025, đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất, chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp; giai đoạn 2026-2030 đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất, chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu Chương trình đề ra, Việt Nam đã đưa ra một lộ trình và phương pháp khả thi để triển khai và phát triển Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam triển khai đề án thành lập Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia theo lộ trình. Theo đó, Việt Nam tiến hành thủ tục, hoàn thiện việc thành lập Văn phòng Chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia; triển khai các hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; tổ chức đánh giá, ghi nhận các mô hình thực hành tốt về cải tiến năng suất tại các tổ chức, doanh nghiệp…
Những chuyên gia năng suất đầu tiên của Việt Nam
Văn phòng chứng nhận chuyên gia năng suất (ViProCB) đã tiến hành đánh giá chứng nhận chuyên gia năng suất theo chuẩn mực của APO cho 8 ứng viên đầu tiên của Việt Nam nộp hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu của Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất. Quá trình đánh giá được thực hiện thông qua hình thức kiểm tra viết và phỏng vấn các ứng viên được thực hiện theo quy trình đánh giá công nhận Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất, đáp ứng chuẩn mực của APO. Các ứng viên đáp ứng yêu cầu và được cấp chứng nhận chuyên gia năng suất theo chuẩn mực của APO góp phần vào việc phát triển và hình thành mạng lưới chuyên gia năng suất trong nước được chứng nhận theo Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của APO. Qua đó, vị thế và vai trò của Việt Nam trong hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất được nâng cao, mang tầm khu vực và quốc tế.
Các chuyên gia năng suất của Việt Nam được cấp chứng nhận theo chuẩn mực của APO sẽ là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 1322/QĐTTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, cũng như là tiền đề để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 về việc Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Trong đó, yêu cầu xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất của Việt Nam; phát triển hệ thống chứng nhận, đào tạo chuyên gia năng suất của Việt Nam phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Chương trình chứng nhận năng lực cá nhân nhằm thể hiện những nỗ lực hợp tác liên tục của APO với các Tổ chức năng suất quốc gia (NPOs) trong việc xây dựng mạng lưới các chuyên gia năng suất trong toàn khu vực. APO sẽ đóng vai trò làm chủ chương trình, công nhận NPOs hoặc các tổ chức khác là Tổ chức chứng nhận (CBs) khi thực hiện các chương trình chứng nhận năng lực cá nhân. Chương trình tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và sẽ nâng cao hình ảnh của APO như một tổ chức quốc tế hàng đầu về năng suất. Cơ quan công nhận của APO (APO-AB) sẽ đóng vai trò làm chủ chương trình, khi công nhận các NPOs hoặc các tổ chức khác sẽ thực hiện chương trình như là các Tổ chức chứng nhận (CBs).