Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Bùi Nguyên Hùng - Chủ tịch VCCA cho hay, kỷ nguyên số và Internet mang đến nhiều cơ hội tiếp cận tại bất cứ nơi nào và vào thời gian nào tới các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng. Điều này cũng đồng thời cũng đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ bản quyền tác giả, khuyến khích phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền tác giả (quyền tác giả và quyền liên quan) nói riêng đã và đang là điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia.Đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định liên quan đến bản quyền và tri thức. Để đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại, Việt Nam đã đàm phán ký kết gia nhập các Điều ước quốc tế đa phương có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, từng bước ban hành và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ: Ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2022 ...Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra, có nơi, có lúc nghiêm trọng, nhất là trên môi trường số, internet, nhất là khi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư sáng tạo và đang là thách thức đối với hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của nước ta.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan chưa cao. Các thành phần sáng tạo chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Sự phát triển nhanh chóng, phức tạp của công nghệ, đặc biệt trên môi trường số dẫn đến việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng phức tạp. Ngoài ra, chưa có bộ phận chuyên trách về bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đến các tài sản trí tuệ tại các cơ quan quản lý ở địa phương. Việc xử lý các vụ việc xâm phạm còn chậm, chưa rõ ràng… Do đó, theo ông Tuấn thời gian tới cần tập trung vào các nhóm giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; thu hút và hỗ trợ đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ…
TS Lê Doãn Hợp (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định bản quyền rất quan trọng, bản quyền là đạo đức, văn hóa, trí tuệ và đã là người tài thì phải có cơ chế đặc cách. "Có thực trạng là người tạo ra sản phẩm lại nghèo nhưng người buôn lại giàu. Nhận thức là chìa khóa của hành động. Chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi hành động để làm bài học lớn hơn.
Dù biết là việc thực hiện rất khó khăn song khó thì càng phải làm vì không làm thì chất xám của Việt Nam chảy ra nước ngoài còn chất xám của nước ngoài không thể vào được nước ta”, ông Hợp nói thêm.
Nguyễn Hằng